Ngân hàng siết tín dụng bất động sản trong bối cảnh nguồn cung vẫn tiếp tục tăng. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi vốn ngân hàng chi phối cả bên mua lẫn bên bán đều phụ thuộc vào.
Sự tăng trưởng trong năm 2015 giúp nhiều doanh nghiệp địa ốc có tiềm tin vào tương lai tươi sáng của thị trường trong năm 2016. Tổng giám đốc Novaland, ông Phan Thành Huy cho rằng thị trường BĐS Việt Nam năm 2016 được dự báo là sẽ tốt hơn và bước vào giai đoạn phát triển mới.
Lãnh đạo Tập đoàn Novaland cho biết trước thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạn chế và kiểm soát tín dụng, doanh nghiệp đã điều chỉnh số lượng dự án mới tùy theo nhu cầu của thị trường, chú trọng vào các dự án tại khu trung tâm và sản phẩm nhà phố, biệt thự, đặc biệt lần đầu tiên giới thiệu ra thị trường các dự án khu đô thị quy mô lớn, hạn chế mua thêm dự án mới để không tăng dư nợ, đảm bảo thanh khoản, chất lượng sản phẩm.
Thị trường trong năm 2015 phục hồi ấn tượng nhờ một phần không nhỏ từ những chính sách luật của Nhà nước. Nhưng doanh nghiệp mới chỉ “sống lại” sau nhiều năm “chết lâm sàng”, nếu có những chính sách không phù hợp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chung của toàn xã hội.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam |
Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) cũng có dự án mới ở nhiều phân khúc khác nhau chuẩn bị ra mắt thị trường. Bởi theo, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Sacomreal, thị trường đang bước vào giai đoạn hồi phục sau một thời gian dài trầm lắng.
Hay Hưng Thinh Corp cũng đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm nay 10% so với năm 2015 và dự kiến sẽ đưa ra thị trường khoảng 6.000 sản phẩm.
Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land, cho biết lượng giao dịch những ngày sau Tết vẫn rất tốt với vài chục sản phẩm mỗi ngày.
Không chỉ các “ông lớn” mà nhiều doanh nghiệp khác cũng khá lạc quan khi xây dựng kế hoạch cho năm 2016.
Tuy nhiên, những thông tin mới đây cũng khiến không ít chủ đầu tư lo lắng. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, yếu điểm của thị trường BĐS hiện nay là phụ thuộc quá lớn vào vốn vay ngân hàng.
Thực tế cho thấy khi các ngân hàng đã đẩy mạnh tín dụng trung, dài hạn trong năm 2015, thì khó có nguồn vốn dồi dào cho lĩnh vực BĐS trong năm 2016. Hơn nữa, hệ thống ngân hàng vẫn trong quá trình xử lý nợ, trong đó có lượng lớn là BĐS. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự tăng trưởng của thị trường BĐS. Khan vốn, thừa cung đang trở thành nguy cơ của thị trường trong thời gian tới do nguồn cung mới vẫn tăng mạnh trong giai đoạn 2016-2018 khiến chênh lệch cung-cầu BĐS ngày càng lớn.
Nhiều doanh nghiệp BĐS bắt đầu thận trọng với nguồn cung căn hộ trong năm 2016
Giới đầu tư- kinh doanh BĐS đang đặc biệt quan tâm đến dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014.
Bởi nội dung dự thảo nói trên có 2 điểm quan trọng mà nếu được thông qua có thể sẽ tác động nghiêm trọng đến thị trường BĐS năm 2016 và những năm tiếp theo.
Thứ nhất, giảm trần sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40%.
Thứ hai, tăng hệ số rủi ro từ 150% hiện nay lên 250% đối với nhóm tài sản thuộc các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS.
Theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) cho rằng thị trường BĐS nước ta đang phụ thuộc rất lớn vào 2 nguồn vốn: tín dụng ngân hàng và huy động từ khách hàng, trong khi nguồn từ khách hàng phần lớn lại có nguồn gốc từ ngân hàng. Hiện thị trường vốn trong nước vẫn đang thiếu các nguồn vốn khác như các quỹ đầu tư (kể cả quỹ đầu tư mạo hiểm), quỹ tín thác BĐS, quỹ tiết kiệm nhà ở, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán..
Hoạt động đầu tư phát triển, kinh doanh BĐS là vốn là hoạt động có tính chất trung hạn, dài hạn, nhưng vẫn chưa có cơ chế đầy đủ để tạo lập nguồn vốn đầu tư, nguồn vốn tín dụng trung, dài hạn. Ở nước ta, nếu được vay trung hạn, dài hạn lãi suất sẽ cao hơn lãi suất vay ngắn hạn, điều này ngược lại với các nước khác.
Hơn thế nữa, dù là nguồn vốn huy động ngắn hạn nhưng tài khoản huy động này của hệ thống ngân hàng lại chiếm một tỷ lệ tương đối ổn định. Ở tầm quản lý vĩ mô NHNN có đầy đủ thông tin để đưa ra trần sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn một cách hợp lý nhất trong từng giai đoạn nhất định, mà vẫn đảm bảo an toàn hệ thống, đi đôi với kiểm soát, xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng vi phạm.
Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính