Trong buổi báo cáo thị trường BĐS Tp. HCM quý IV/2014, Công ty tư vấn bất động sản (BĐS) CBRE cho biết, thị trường bán lẻ Việt Nam đang tăng trưởng tốt, nhiều doanh nghiệp đã và đang tích cực thực hiện tái cơ cấu và mở rộng trong.
CBRE đánh giá, ngay cả trong thời điểm kinh tế trì trệ, doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam vẫn liên tục duy trì ở mức tăng trưởng trung bình cao hơn 10%. Năm 2015, thị trường bán lẻ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ vào sự ổn định của nền kinh tế và sự gia tăng tầng lớp có thu nhập trung bình. Hiện nay, thị trường bán lẻ tại Hà Nội và Tp. HCM vẫn đang giữ vững vị trí trong nhóm dẫn đầu về tăng trưởng bán lẻ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nhờ vào sự tăng trưởng tốt của thị trường bán lẻ, trong năm 2014, đã có rất nhiều các doanh nghiệp bán lẻ trong nước tích cực thực hiện tái cơ cấu và mở rộng. Điển hình, năm qua, Trung tâm Thương mại Tràng Tiền Plaza đã mở cửa trở lại với nhiều gian hàng ẩm thực hơn, với kì vọng sẽ cải thiện tình hình kinh doanh của đơn vị này.
Tháng 10/2014, Vingroup cũng gây chú ý khi mua lại chuỗi siêu thị của Ocean Retail Group và đổi tên thành VinMart Retail Group. Từ dự án này, Vingroup lên kế hoạch đến năm 2017 sẽ xây dựng mới hoặc mua lại 100 siêu thị VinMart và 1.000 cửa hàng tiện lợi. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng dự tính xây dựng thêm 9 trung tâm thương mại trên cả nước trong thời gian tới.
Ngoài ra, trong năm 2014, Co.opmart cũng đã mở rộng thêm năm siêu thị trên toàn quốc.
Bên cạnh những sự kiện sôi động của nhiều đơn vị bán lẻ trong nước, các nhà bán lẻ nước ngoài cũng đồng loạt tiến hành mở rộng thương hiệu. Điển hình, năm 2014, tập đoàn Aeon, Nhật Bản khai trương trung tâm thương mại lớn nhất và đầu tiên tại TP.HCM với 88.064 m2 diện tích sàn. Đơn vị này cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đưa 20 đại siêu thị vào Việt Nam hoạt động. Ngoài ra, Tập đoàn Lotte đến từ Hàn Quốc cũng lên kế hoạch sẽ đưa 60 siêu thị vào hoạt động trong thời gian tới.
Doanh thu bán lẻ trong thời gian tới sẽ có nhiều cơ hội để tăng trưởng, củng cố niềm tin người tiêu dùng bởi hiện các chỉ số kinh tế vĩ mô đang ổn định, mang lại nhiều kỳ vọng. Ngoài ra, trong thời gian tới, một số trung tâm mua sắm không hoạt động tốt sẽ phải đóng cửa hoặc cải tạo lại; để duy trì tỷ lệ lấp đầy, giá thuê sẽ tiếp tục đà giảm, nhưng chỉ giảm ở mức khiêm tốn.
Theo cam kết với WTO, Việt Nam cho phép doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài đầu tư kể từ năm 2015. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn sẽ gặp phải rào cản thương mại về mặt kỹ thuật do quy định Kiểm tra nhu cầu kinh tế (Economic Needs Test).