Đánh giá về thị trường bất động sản năm 2015, ông Richard Leech, Giám đốc Điều hành Công ty CBRE cho rằng, thị trường sẽ có những diễn biến khác so với những năm trước, tuy không bùng nổ mạnh mẽ nhưng bền vững.
Thị trường bất động sản trong năm 2015 sẽ có những diễn biến khác
so với những năm trước. (Ảnh minh họa. Nguồn: internet).
Theo báo cáo của CBRE, thị trường bất động sản tại Hà Nội đang diễn ra khá sôi động với 31 dự án được chào bán, cung cấp cho thị trường 16.200 căn hộ, tăng gấp 3 lần so với năm 2013. Trong đó, số lượng căn hộ đã giao dịch thành công đạt 10.700 căn, lượng tồn kho giảm và giá chào bán thứ cấp ở phân khúc trung-cao đều có dấu hiệu tăng nhẹ. Đặc biệt, những dự án thuộc các quận nội đô đang ngày càng thu hút khách mua với giá bán sơ cấp cao, tăng khoảng 10-20% so với năm 2013. Còn những căn hộ của các dự án mới được mở bán thuộc phân khúc bình dân có giá chào bán cũng cao hơn 5-10% ở thời điểm cuối năm.
Trong quý IV/2014, hiện tượng tăng giá cũng bất ngờ xuất hiện tại phân khúc nhà biệt thự, liền kề ở một số khu vực, báo hiệu những chuyển động tích cực thuộc phân khúc này. Bên cạnh đó, với những chương trình khuyến mại, hỗ trợ, quà tặng lớn của các dự án được mở bán cũng đã thu hút được sự quan tâm lớn của khách hàng, khiến giao dịch được cải thiện rõ nét, nhất là những dự án đã hoàn thiện hạ tầng. Đặc biệt, một số dự án ở xa trung tâm đã ngừng triển khai trong thời gian dài cũng đã tái khởi động và bắt đầu mở bán.
Đơn của như khu vực Từ Liêm, giá của phân khúc liền kề, biệt thự đã tăng trung bình 2,5%; quận Cầu Giấy là 3,8%, huyện Gia Lâm tăng 3,8%, tăng cao nhất là huyện Hoài Đức với khoảng 4,9%... Trong đó, phải kể đến một số dự án nhà liền kề, biệt thự đạt được thanh khoản cao như Vinhomes Riverside, Garden Villas (quận Long Biên); Gamuda Gardens (quận Hoàng Mai); Viglacera Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm); Khu biệt thự Lâm Viên (huyện Gia Lâm), hay giai đoạn 2B của Ecopark thuộc nhà phố liền kề mới được mở bán trong thời gian gần đây.
CBRE cũng dự báo, nguồn cung của thị trường bất động sản thương mại trong năm 2015 sẽ tăng cao, nhất là khu vực phía Tây, trong đó, tập trung chủ yếu ở các dự án dự kiến hoàn thiện trên địa bàn các quận: Cầu Giấy, Từ Liêm, Thanh Xuân. Ngoài ra, nội dung người nước ngoài được phép mua nhà, sở hữu nhà tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở có hiệu lực từ tháng 7/2015 hứa hẹn sẽ mang lại sự sôi động cho thị trường mua bán, nhất là phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.
Dù định hướng chiến lược phát triển nhà ở đến 2020 đánh giá thị trường có nhiều tiềm năng để phát triển nhưng thực tế nguồn cung trên thị trường chưa thể đáp ứng, diện tích nhà ở xã hội hiện chỉ đạt khoảng 5-10%. Đây chính là sự bất hợp lý giữa cung và cầu trong phát triển nhà ở tại Việt Nam.
Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức, ông Lê Chí Hiếu nhận định, thị trường bất động sản trong năm 2015 sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục hồi phục, như kinh tế vĩ mô dự báo tiếp tục chuyển biến tích cực, 2 đạo luật liên quan đến địa ốc, với nhiều điểm mới tiến bộ vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực vào tháng 7, lãi suất giảm, nguồn tiền vào thị trường tăng lên, niềm tin vào thị trường đã trở lại… Trong đó, nhà ở giá rẻ vẫn là phân khúc chủ lực về thanh khoản, vì nhu cầu thực của phân khúc này cao. Nếu xét về mặt nhân khẩu học, số người trong độ tuổi cần sở hữu bất động sản tại Việt Nam còn rất lớn. Bên cạnh đó, đầu tư vào bất động sản căn hộ có giá trung bình - khá vẫn được coi là kênh an toàn so với vàng, chứng khoán và ngoại tệ.
Nói vậy, không phải chúng ta có thể hoàn toàn lạc quan về thị trường năm 2015 mà vẫn còn rất nhiều thách thức cần phải đối mặt và giải quyết. Cụ thể, nguồn cung căn hộ tại thị trường Hà Nội và Tp.HCM được dự báo sẽ rất lớn trong năm 2015, từ đó, tạo ra áp lực về giá cũng như chất lượng dự án. Phân khúc cao cấp đang từ từ phục hồi ở những khu vực thuận lợi về cơ sở hạ tầng, nhưng còn chậm. Niềm tin của khách hàng tuy đã trở lại nhưng chưa thực sự hoàn toàn, vì vậy, các doanh nghiệp không nên có tư tưởng chộp giật khiến niềm tin này nhanh chóng mất đi, khi đó, sợ không biết đến bao giờ chút niềm tin đó mới có thể lấy lại được.
Một yếu tố cơ bản nhất của thị trường vẫn chưa thể giải quyết được, đó là nút thắt của gói 30.000 tỷ đồng. Tuy đã có nhiều lần sửa đổi tích cực, đối tượng cho vay được nới rộng, lãi suất giảm, thời gian vay tăng, nhưng vẫn còn một điểm tắc nghẽn trong chính sách, đó là việc người dân cần phải chứng minh thu nhập mình.
Theo Tạp chí tài chính Online