Thực tế cho thấy, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam thực sự đã có những chuyển biến tích cực trong 6 tháng đầu năm 2015, trong đó có sự nhộn nhịp nhất định về giao dịch thành công. Vậy nhưng, khi thị trường có dấu hiệu ấm lên, đã có nhiều cảnh báo cho khách hàng trước nguy cơ rơi vào “bẫy thông tin” của cò đất “ăn xổi ở thì”.
Tại nhiều dự án BĐS, việc môi giới nghiệp dư trong cùng một sàn giao dịch đẩy giá đã khiến thị trường nhiễu loạn. Trước thực trạng đó, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Cường.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về việc trong nội bộ nhiều sàn giao dịch BĐS số người môi giới không có chứng chỉ hành nghề khá nhiều được chủ đầu tư tuyển “ồ ạt”?
Trên thực tế, tại các sàn giao dịch, văn phòng giao dịch BĐS luôn có những người xác định môi giới là một nghề danh giá và kiếm tiền rất chuyên nghiệp. Tuy nhiên, cũng có không ít người coi việc môi giới BĐS là phong trào nên hoạt động như cò đất “ăn xổi ở thì”. Lâu nay, thực trạng này đã tồn tại. Nhà môi giới chuyên nghiệp luôn coi đây là một nghề đòi hỏi phải trang bị các kiến thức chuyên sâu về môi giới BĐS, về thẩm định BĐS, cũng như những hiểu biết nhất định về kiến trúc, nội thất, phong thủy… có thế họ mới tự tin tham vấn cho khách hàng một cách hiệu quả nhất.
Đối với các sàn BĐS uy tín, việc tuyển dụng môi giới được tiến hành chặt chẽ, khắt khe. Nhân viên môi giới sẽ có thời gian thử việc trên 6 tháng, họ phải trải qua nhiều thử thách của chủ đầu tư và thị trường trong khi đó, một tháng họ chỉ nhận mức lương có vài triệu. Những môi giới chuyên nghiệp sẽ đánh giá được tư cách và chiến lược kinh doanh BĐS của chủ đầu tư nên biết cách né tránh những vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Nhưng bên cạnh đó cũng có “VIP” tự xưng sau khi làm thuê cho các sàn có tên tuổi, tách ra mở sàn BĐS riêng song hoạt động nghiệp dư bát nháo. Trong đó, mối quan hệ giữa nhân viên môi giới với giám đốc sàn không có nhiều sự ràng buộc về mặt pháp lý. Vì thế, rất ít nhân sự cơ yếu trong các sàn có đủ tư cách và trình độ chuyên môn để hành nghề. Cho nên mới có hiện tượng một số sàn thiếu chuyên nghiệp đã “quây hội đồng” chủ đầu tư, khiến thông tin về dự án BĐS bị nhiễu loạn, thị trường lũng đoạn, khách hàng vẫn là người chịu thiệt hại nhiều nhất.
Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 không bắt buộc giao dịch BĐS qua sàn, song hiện một số chủ đầu tư vẫn đẩy hàng qua kênh tiêu thụ này. Việc thông tin thiếu minh bạch sẽ tác động như thế nào đến thị trường BĐS vừa “chớm” phục hồi, thưa ông?
Một dự án đang được xây dựng tại đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội).
Ảnh: Thanh Hải
Nếu như trước đây, để hạn chế các rủi ro cho chủ đầu tư và khách hàng khi thị trường BĐS bùng phát, pháp luật quy định khi giao dịch mua bán BĐS phải qua sàn. Vậy nhưng, khi quy định đi vào thực tiễn đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, cả chủ đầu tư, khách hàng và xã hội đều có những thiệt hại nhất định. Quy định mới không bắt buộc phải bán sản phẩm qua sàn kể từ 1/7 có nhiều ưu điểm. Theo đó, hành lang pháp lý này sẽ cho phép chủ đầu tư có cơ hội chọn cho mình một đơn vị phân phối sản phẩm chuyên nghiệp, có trách nhiệm, trình độ chuyên môn vững. Có thể nói, quy định này đã giúp thị trường địa ốc thanh lọc được những sàn và môi giới không có chứng chỉ hành nghề, từ đó thị trường sẽ minh bạch và phát triển lành mạnh hơn.
Các cơ quan quản lý Nhà nước hiện chưa có bằng chứng để khẳng định chủ đầu tư và sàn bắt tay nhau đẩy giá sản phẩm, tạo nên hiện tượng sốt ảo. Do đó, đây chỉ là suy luận cảm tính dựa trên các thông tin đang bị nhiễu loạn từ các môi giới tự phát. Vì không đủ sức cạnh tranh với các sàn BĐS uy tín nên mới tìm mọi cách làm ăn kiểu chộp giật, chóng vánh. Chình vì vậy, các chủ đầu tư, các sàn uy tín cũng như những cổ đông am hiểu và tài chính mạnh sẽ không bao giờ lựa chọn phương án bắt tay với các hệ thống môi giá đẩy giá ảo lên cao để tự hại mình.
Ông nhận định như thế nào về việc có ý kiến cho rằng đã đến lúc cần có những cơ chế quản lý mạnh để kiểm soát số lượng môi giới BĐS nhằm giải quyết triệt để những “cò đất” làm ăn kiểu chộp giật, thưa ông?
Hiện các chính sách, các biện pháp quản lý BĐS từ trung ương tới các sở, ban ngành địa phương đều được soạn thảo khá kỹ lưỡng và bài bản. Hơn nữa, các quy định này đều sát với thực tiễn, nhằm chấn chỉnh, khắc phục những khiếm khuyết của thị trường BĐS do môi giới nghiệp dư gây ra. Tuy nhiên, thị trường địa ốc sẽ minh bạch hơn khi Nhà nước có công cụ kiểm tra, giám sát, thanh tra được hội tụ mạnh bởi liên ngành như mô hình 141 của Bộ Công an nhằm trấn áp tội phạm, đảm bảo ổn định trật tự an ninh xã hội.
Trước thực trạng thị trường nhà đất còn thiếu minh bạch, người mua cần lưu ý những gì trước khi quyết định xuống tiền, thưa ông?
Đối với những khách hàng chưa có nhiều trải nghiệm về mua bán BĐS thì việc giao dịch mua bán nhà đất thường tiềm ẩn những rủi ro khôn lường. Do đó, người mua nên trả phí môi giới cho các sàn, nhất là các chuyên gia BĐS uy tín để mua bảo hiểm gói dịch vụ bảo vệ tài sản và tránh những vướng mắc, rào cản về mặt pháp lý. Khách hàng cần có luật sư đi cùng để tìm hiều tính pháp lý của dự án và các cơ chế vay tài chính của ngân hàng trước khi quyết định nộp tiền đặt cọc. Mặt khác, người mua phải đọc kỹ và hiểu rõ toàn bộ các điều khoản chi tiết về giá cả, tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ chế dịch vụ hậu mua bán trong hợp đồng để tránh bị gài “bẫy câu chữ” nhằm tránh tranh chấp hoặc khiếu kiện về sau. Thực tế cho thấy, hiện nay người tiêu dùng lúc này đã “khôn ngoan” hơn nhiều, nguyên nhân là họ có nhiều nguồn thông tin để tìm hiểu, có sự trải nghiệm nhất định, đặc biệt sau một thời gian dài BĐS khung hoảng, họ đã có thừa sự cẩn trọng trước khi quyết định xuống tiền.
Theo Kinh tế & Đô thị Online