Rất nhiều dự án "ma" xuất hiện trên thị trường địa ốc năm 2019 khiến hàng loạt khách hàng "sập bẫy", rơi vào cảnh "tiền mất tật mang".
Thị trường bất động sản trong năm qua chứng kiến rất nhiều doanh nghiệp vướng vòng lao lý. Theo đó, sự "hỗn loạn" và tâm lý "hoài nghi" bao trùm thị trường. Minh chứng là, Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt giam lãnh đạo các công ty địa ốc như Alibaba, Hoàng Kim Land, Angel Lina lừa bán dự án "ma", chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng từ người dân.
Khi các dự án ảo giăng mắc khắp nơi thì "vòi bạch tuộc" bị chặt đứt, kéo theo thanh khoản đất nền vùng ven sụt giảm mạnh. Công an TP.HCM ngày 25/9/2019 xác định Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm CEO Công ty CP Địa ốc Alibaba, Nguyễn Thái Luyện giữ vai trò chủ mưu, đã chỉ đạo Nguyễn Thái Lĩnh lập ra các công ty con với quy mô trên 2.600 nhân viên, thu gom hơn 600 ha đất nông nghiệp.
Cụ thể, Địa ốc Alibaba tự vẽ ra 40 dự án ảo, gồm 2 dự án ở Bình Thuận, 9 dự án ở Bà Rịa - Vũng Tàu và 29 dự án tại Đồng Nai. Đây đều là những dự án chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cấp phép, chưa được phê duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền... Công ty này tính tới ngày 30/6/2019 đã ký hợp đồng với trên 6.700 người, thu về 2.500 tỷ đồng. Theo tố cáo của hơn 900 người, Công ty Alibaba sử dụng mồi nhử là dự án "ma" để lừa đảo và chiếm đoạt trên 500 tỷ đồng, huy động vốn theo phương thức đa cấp.
Trong bối cảnh mô hình kinh doanh đa cấp kiểu Alibaba sụp đổ, thị trường đất nền vùng ven TP.HCM lập tức lao dốc về mặt thanh khoản. Đối với mọi dự án được chào bán trên thị trường, người mua có dòng tiền nhàn rỗi hay nhà đầu tư cá nhân đều cảnh giác hơn trước rất nhiều.
|
Hàng loạt dự án "ma" năm 2019 khiến hàng nghìn khách hàng sập bẫy. (Ảnh: Hữu Khoa) |
Các chiêu trò lừa đảo đa cấp khác sau vụ Địa ốc Alibaba liên tục bị phanh phui. Vào ngày 2/11/2019, vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty CP tư vấn và đầu tư Angel Lina bị Công an TP.HCM mở rộng điều tra. Giám đốc công ty là bà Phạm Thị Tuyết Nhung (38 tuổi). Sử dụng pháp nhân 2 công ty, bà Nhung cho vẽ tới 9 dự án "ma" tại các quận Bình Tân, quận 12, quận 9... rồi bán cho hàng trăm khách hàng, thu gần 300 tỷ đồng.
Sau Alibaba, một loạt công ty kinh doanh bất động sản với chiêu trò lừa đảo khác tiếp tục bị phanh phui. Ngày 2/11, Công an TP HCM mở rộng điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư Angel Lina (Công ty Angel Lina) do bà Phạm Thị Tuyết Nhung, 38 tuổi, làm giám đốc. Bà Nhung dùng pháp nhân hai công ty vẽ 9 dự án "ảo" tại quận 9, 12, Bình Tân... bán cho hàng trăm người thu về gần 300 tỷ đồng.
Bà Nhung cũng đứng tên Công ty TNHH TM-DV Đất vàng Hoàng gia (quận 7, TP.HCM). Nữ giám đốc này cùng một số người tìm kiếm những người dân có nhu cần bán đất với diện tích lớn là đất trồng cây lâu năm, đất trồng lúa, nuôi trồng thủy sản, đất ở... rồi mua bán.
Cụ thể, bà Nhung thuê người vẽ thiết kế quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, phân thành từng nền, có cơ sở hạ tầng đầy đủ như đường, điện, cấp thoát nước, tự đặt tên dự án rồi rao bán, quảng cáo rầm rộ, hứa hẹn giao sổ từng nền. Vậy nhưng, khi tới thời hạn giao đất, công ty tìm mọi cách né tránh, trì hoãn và bỏ trốn.
Hồi cuối tháng 11/2019, cơ quan điều tra tiếp tục lật tẩy thêm một vụ lừa bán dự án "ma" vùng ven Sài Gòn. Ngày 20/11/2019, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP.HCM đã bắt giam bà Trần Thị Hồng Hạnh (49 tuổi) về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Kết quả điều tra cho hay, Công ty TNHH Tư vấn đầu tư bất động sản Hoàng Kim Land là chủ đầu tư 7 dự án vùng ven TP.
Sử dụng pháp nhân công ty, bà Hạnh rao bán ồ ạt, ký hợp đồng chuyển nhượng nền đất cho nhiều người, thu về hàng chục tỷ đồng song không giao đất nên bị người mua khiếu kiện. Theo kết quả điều tra của nhà chức trách, các dự án của Hoàng Kim Land rao bán đều là dự án ảo, không có thật.
Ngoài thị trường TP.HCM và một số tỉnh lân cận phía Nam, cơ quan điều tra còn phát hiện nhiều dự án "ma" ở khu vực miền Trung. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận vừa ra quyết định khởi tố, bắt giữ Giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển Địa ốc Hưng Thịnh Phát về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Những dự án trên địa bàn tỉnh Bình Thuận mà công ty chào bán đều là dự án không có thật, chưa được cơ quan chức năng cho phép. Theo tố cáo từ khách hàng, ông Kha đã nhận tiền cọc của người mua, lợi dụng lòng tin của người khác đứng tên trên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chiếm đoạt tài sản.
Sau khi hàng loạt dự án "ma" bị phanh phui, thị trường đất nền trở nên ảm đạm hơn trong nửa năm gần đây. Nhiều doanh nghiệp địa ốc nhận định rằng, trong những tháng cuối năm 2019 là mùa cao điểm bán hàng trầm lắng nhất trong vòng 5 năm qua.
Bàn về thị trường địa ốc năm qua, ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó Trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, thị trường chịu nhiều tổn thương sau khi hàng loạt dự án "ma" sụp đổ. Thứ nhất, niềm tin thị trường sụt giảm mạnh; thứ hai là thanh khoản lao dốc; thứ ba là dòng tiền đầu tư đứng ngoài thị trường trong ngắn hạn và trung hạn.
Theo ông Nghĩa, lý do khiến hàng loạt khách hàng sập bẫy dự án "ma" là do sau những năm sốt đất liên tục (2016-2018), người Việt dễ dãi hơn khi rót tiền vào nhà đất. Công thức "vàng" đối với họ là ôm đất làm của để dành, sớm muộn cũng thành tỷ phú. Trong bối cảnh thị trường từng xảy ra nhiều cơn sốt đất, những sản phẩm có giá rẻ thường gây chú ý nên các chiêu trò buôn bán gian lận, lừa bán dự án ảo dễ lấy lòng tin từ khách hàng giai đoạn đầu.
Chuyên gia này cho biết, thị trường đất nền sau các vụ lừa bán dự án "ma" đang bước vào giai đoạn quá độ từ đầu tư dễ dãi sang đầu tư thận trọng, trì hoãn lâu hơn. Giao dịch bị chậm lại, tắc nghẽn cục bộ. Vì pháp lý chặt chẽ hơn nên khó có giao dịch thành công. Khách hàng chỉ xuống tiền khi có sổ đỏ, pháp lý đầy đủ.
Cũng theo ông Nghĩa, dự án "ma" sụp đổ là lời cảnh tỉnh cần thiết cho giới đầu tư địa ốc. Mặt khác, việc mở rộng điều tra vụ án, bắt giam lãnh đạo công ty cho thấy cơ quan quản lý nhà nước bắt đầu tăng cường chấn chỉnh thị trường. Ông Nghĩa dự báo: "Xét trong dài hạn, có thể kỳ vọng về kịch bản tích cực khi việc mua bán các dự án bất động sản ngày càng minh bạch hơn".