Thị trường bất động sản đang có tín hiệu phục hồi, vì vậy, các ngân hàng cũng mạnh tay giải ngân cho chủ đầu tư vay vốn thực hiện dự án nhiều hơn. Các gói tín dụng dành cho BĐS cũng ngày được quan tâm hơn.
Theo báo cáo thống kê của Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy, một hai tháng gần đây tín dụng bất động sản (BĐS) bắt đầu tăng mạnh. Bởi so với năm ngoái thì dư nợ của nhóm xây dựng mới trong nửa đầu năm nay đã tăng 2.78%, đạt hơn 350.000 tỷ đồng. Nếu so với mức tăng chung của nền kinh tế thì dư nợ BĐS cuối tháng 8 đang dẫn đầu với 9.85%. Trong khi đó, những khu vực đang được ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, mức dư nợ ngân hàng là 6.1%, công nghiệp hỗ trợ là 6.12%, con số dư nợ trong lĩnh vực xuất khẩu là 4.37% và doanh nghiệp vừa và nhỏ là 2.57%.
Nguyên nhân dẫn đến tín dụng BĐS tăng cao là do các ngân hàng đã mạnh tay hơn trong việc giải ngân cho các công trình, dự án BĐS. Điển hình là việc tài trợ 530 tỷ đồng từ MB cho dự án The Pride (Hà Đông, Hà Nội), dự án chung cư 89 Phùng Hưng sau thời gian ngừng thi công đã khởi động lại với nguồn vốn tài trợ của Indovina. Tương tự, nhờ sự hỗ trợ đầu tư của BIDV, chung cư Ngọc Phương Nam tại Tp.HCM cũng đang tái khởi động ...
Nhằm kích cầu, Ngân hàng không ngại mua quảng cáo ngay trên taxi.
Bên cạnh việc hỗ trợ các chủ đầu tư hồi sinh dự án, ngân hàng còn đưa ra nhiều gói ưu đãi dành cho người mua nhà nhằm kích cầu. Đơn cử là gói tín dụng 3.000 tỷ đồng với lãi suất từ 7.99%/năm dành cho vay mua nhà đất, xây sửa nhà hiện đang "nổi sóng" trên thị trường của Vietcombank; chương trình cho vay mua ngôi nhà đầu tiên dành cho cá nhân thu nhập từ 10 triệu đồng với lãi suất 8.9% trong năm đầu tiên của ACB; chương trình cho vay lãi suất 0% đến khi được giao nhà của HDBank liên kết với chủ đầu tư Ehome 5 ... Các ngân hàng cũng đẩy mạnh thông tin hỗ trợ vay vốn này bằng mọi hình thức thông tin quảng cáo, ngay cả việc mua vị trí quảng cáo trên taxi, xe bus, quán cafe ... nhằm tiếp cận khách hàng tốt hơn.
Không chỉ thế, các chủ ngân hàng cho biết, họ sẵn sàng "bơm vốn" hỗ trợ các dự án có khả năng hồi sinh. Đồng thời, chương trình thí điểm cho vay liên kết 4 nhà (nhà đầu tư - nhà thầu - nhà cung cấp vật liệu xây dựng - ngân hàng) công bố thời gian vừa qua nhằm tạo nên bước đột phá cho thị trường cũng đang dần cho thấy những tín hiệu tích cực.
Trong khi đó, thị trường cho vay mua nhà được đa số các chuyên gia đánh giá là thị trường ít gặp rủi ro nhất tại thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay. Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB chia sẻ: "Nguồn sống chính của ngân hàng chủ yếu dựa vào cho vay nên lĩnh vực nào tiềm năng sẽ đẩy mạnh đầu tư". Hiện nay, thị trường mua nhà là thị tường đảm bảo được an toàn hơn cả, bởi người vay chủ yếu là người có nhu cầu thực, họ sẽ lên được kế hoạch vay - trả chứ không như nhà đầu tư khi thua lỗ thì bỏ chạy, ông Toại phân tích thêm.
Đến nay, dù đã triển khai được hơn 1 năm, nhưng tỷ lệ giải ngân của gói 30.000 tỷ vẫn chưa tới 10%. Thiết nghĩ, đây cũng là cơ hội tốt để các ngân hàng tiến hành cuộc đua cho vay mua nhà. Bởi, khi mua nhà, điều đầu tiên khách hàng quan tâm là khả năng tài chính của mình mà không quan tâm nhiều đến đó là nhà ở xã hội hay nhà ở thương mại. Vậy nên, "đây là miếng bánh lớn để các ngân hàng chạy đua giành phần lợi", một thành viên HĐQT ngân hàng cổ phần phía Bắc đánh giá.
Hiện Ngân hàng Nhà nước cũng đang tiến hành nghiên cứu đề xuất gói cho vay hỗ trợ mua nhà mới để Chính phủ xem xét trong thời gian tới. Gói này sẽ hỗ trợ cũng như khắc phục những bất cập tồn đọng của gói 30.000 tỷ đồng và chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng rất lớn đến tín dụng bất động sản thời gian tới.
Nếu như trước đó, gói 30.000 tỷ đồng chỉ được áp dụng cho những cá nhân khi mua nhà thương mại có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 thì "gói mới này sẽ được áp dụng cho phép cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang được mua cả những căn hộ cao cấp hay biệt thự liền kề ... Hạn mức tối đa được vay là 2 tỷ đồng, thời hạn vay tối đa là 10 năm với lãi suất chỉ khoảng 6 - 7.5%/năm", Vụ trưởng Vụ tín dụng, ông Nguyễn Tiến Đông cho hay.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước đánh giá, việc giải ngân của các ngân hàng sẽ diễn ra nhanh hơn, có tác động tích cực hơn lên tín dụng BĐS nếu như gói tín dụng trên được Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, theo ông Toại, gói hỗ trợ thị trường BĐS mới này cần được nghiên cứu kĩ để có thời gian đánh giá sự ảnh hưởng tới thị trường.
Trong thời gian chờ đợi gói mới, Chính phủ cũng đã ra văn bản nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quy định cho vay để đẩy nhanh tốc độc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng. Theo văn bản này thì từ ngày 21/8/2014, thời gian vay gói ưu đãi đã tăng lên 15 năm thay vì 10 năm như trước đây. Đồng thời, diện tích và giá thuê cũng không bị hạn chế miễn là không vượt quá 1.05 tỷ đồng theo giá trị hợp đồng.
Dưới con mắt đánh giá của lãnh đạo ACB thì tình hình kinh tế vẫn chưa hoàn toàn ổn định nên vấn đề cho vay mua BĐS cần cẩn trọng hơn. Ông phân tích rõ, một khi thị kinh tế phát triển mạnh mẽ thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết dễ dàng. Song, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều bấp bênh như hiện nay, ngân hàng cần chọn lọc đối tượng cho vay, xem xét, đánh giá năng lực sử dụng vốn vay cũng như khả năng chi trả của người đi vay.