Bức xúc, lo lắng là tâm trạng chung của nhiều tiểu thương tại chợ Tân Bình trước thông tin UBND quận Tân Bình thông báo kế hoạch dự án xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ đa năng và chợ truyền thống Tân Bình.
Đa phần các tiểu thương không đồng ý với mức bồi thường và việc bố trí kinh doanh ở chợ mới.
Chính sách không thỏa đáng
Trao đổi với phóng viên bất động sản, tổ trưởng và cũng là người buôn bán lâu năm tại chợ Tân Bình cho hay: Vào sáng ngày 18/9, ban quản lý chợ và UBND quận Tân Bình đã có cuộc họp với các tổ trưởng bàn về việc xây chợ mới. Sau rât nhiều ý kiến bàn luận, trao đổi, dự án xây chợ mới và phương án bồi thường, bố trí kinh doanh đã không thuyết phục được các tổ trưởng.
Bởi lẽ, "để đưa chợ Tân Bình từ một bãi đất sình lầy thành một khu chợ có hoạt động kinh doanh buôn bán sầm uất như hiện nay các tiểu thương phải tốn rất nhiều công sức cũng như tiền của để xây dựng chợ. Thậm chí, nhiều gia đình còn bán hết gia tài, nhà cửa để có được một gian hàng tai đây. Các tiểu thương có gian hàng ở chợ đều được cấp giấy phép kinh doanh không thời hạn và có quyền chuyển nhượng lại nếu muốn. Đồng thời, họ không phải trả tiền thuê sạp mà chỉ phải chi trả các phí dịch vụ như điện nước, bảo vệ, vệ sinh. Số tiền này mỗi tháng chỉ có vài trăm ngàn đồng", bà Duyên cho biết thêm.
Bà Phạm Thị Lan, một người đã có hơn 30 năm kinh doanh tại chợ chia sẻ, bà không biết dựa vào cơ sở nào mà UBND quận lại đưa ra con số bồi thường tối đa là 30 triệu đồng cho một gian hàng nếu chủ tiệm không kinh doanh nữa. Trong khi, mỗi sạp có diện tích 3m2 ở đây có giá sang nhượng khoảng 2 tỉ đồng, và có thể lên tới cả chục tỉ đồng nếu sạp có diện tích lớn. Không chỉ giá bồi thường bất hợp lý mà với số tiền thuê 400.000 đồng/m2 sau khi chợ được xây xong thực sự là một con số khó có tiểu thương nào kham nổi. Nếu theo phép tính đó thì đối với sạp diện tích 3m2, tiểu thương phải đóng 1.2 triệu đồng/tháng và 432 triệu đồng/30 năm. Con số này sẽ còn cao hơn rất nhiều nếu thuê các sạp lớn.
Trung tâm thương mại Tân Bình sắp có diện mạo mới.
Không muốn lên lầu
Nhiều tiểu thương cũng không khỏi bức xúc trước phương án tái bố trí địa điểm kinh doanh tại chợ mới. Bởi với phương án sẽ bố trí tối thiểu một sạp tại chợ mới đối với những người có sạp 3m2 trở xuống và với người có sạp lớn hơn 3m2 ở chợ cũ sẽ được bố trí diện tích tương ứng tại chợ mới tưởng chừng tiểu thương không mất gì. Tuy nhiên, nếu chuyển về chợ mới, hầu hết các tiểu thương đều phải đặt gia hàng từ lầu 3 trở. Như vậy, sẽ rất bất tiện và việc mất khách là điều sớm muộn sẽ xảy ra.
Chứng minh cho thực tế trên, anh Đôn, chủ sạp một sạp hàng tại đây dẫn chứng: Hiện tại, lầu 2 của chợ Tân Bình rất ít khách, thậm chí là không có. Vậy liệu khi chợ Tân Bình mới với 6 tầng có thu hút được khách như "cảm nhận" của một vị lãnh đạo quận đã trao đổi với chúng tôi hay không? Và nếu việc kinh doanh không hiệu quả thì trách nhiệm này sẽ thuộc về ai?
Đồng thời, anh Đôn cũng thẳng thắn đưa ra ý kiến: Các tiểu thương ở đây không đồng ý việc xây chợ mới, nếu quận cứ thực hiện dự án thì giá trị bồi thường phải theo đúng giá thị trường. Theo anh, giá sang nhượng của một sạp hàng đáng 2 tỷ thì nhất thiết phải là 2 tỷ, thậm chí phải cao hơn. Đồng thời, vị trí các sạp phải được giữ nguyên như ở chợ cũ.
Sẽ làm việc cụ thể hơn với tiểu thương
Được hỏi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, ông Lê Sơn cho biết, đối với những tiểu thương đang kinh doanh tại chợ, có địa điểm kinh doanh cố định, giấy chứng nhận kinh doanh đầy đủ, không thiếu mã số thuế và có hợp đồng thuê điểm kinh doanh rõ ràng với ban quản lý chợ ...sẽ được hỗ trợ bồi thường. Cùng với đó, tiền bồi thường cũng sẽ được áp dụng với những tiểu thương tự đầu tư xây dựng các sạp, nhà lồng và các tài sản khác mà không thể tháo rời di chuyển. Đối với những trường hợp cá nhân có hợp đồng thuê mặt bằng để kinh doanh và đã trả trước tiền thuên thì sẽ được hoàn trả lại toàn bộ số tiền thuê đã nộp dựa theo hợp đồng. Còn tiền hỗ trợ bồi thường về đất sẽ không có. Bởi, Nhà nước không giao đất, không thi tiền sử dụng đất đối với các hộ kinh doanh.
Bàn về vấn đề hiệu quả kinh doanh, Phó Chủ tịch cũng chia sẻ: "Khi quyết định phê duyệt dự án xây chợ truyền thống nhiều lầu, chúng tôi cũng không khỏi băn khoăn trước hiệu quả mang lại. Đồng thời, các cán bộ cũng cân nhắc nhiều phương án bố trí tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con trong việc kinh doanh buôn bán. Tuy nhiên, với định hướng xây dựng chợ mới là chợ sỉ nên theo cảm nhận của chúng tôi hiệu quả mang lại là có thực và điều này cũng được nhà đầu tư cam kết".
Bên cạnh đó, ông Sơn cũng khẳng định quận sẽ có thêm nhiều buổi tiếp xúc khác với tiểu thương để trao đổi, khảo sát ý kiến đề đạt thêm về vấn đề này. Trước mắt, vào ngày 25 và 26/9 tới đây, quận sẽ có buổi làm việc cụ thể với các tiểu thương về các phương án hỗ trợ khi thực hiện dự án.