Tại Tp.HCM, giá các căn nhà phố mặt tiền đang có xu hướng chững lại với biên độ tăng không cao. Trong khi đó, nhà phố trong các khu hẻm gần mặt tiền đường lớn lại tăng giá mạnh.
Với quan niệm nhà mặt tiền dễ cho thuê kinh doanh, khả năng tăng giá tốt và ra hàng nhanh nên giới đầu tư nhà phố, nhà lẻ rất chuộng loại hình bất động sản này. Thế nhưng, hiện sức tiêu thụ của nhà phố mặt tiền không cao, biên độ tăng giá không bằng nhà lẻ trong hẻm xe hơi, đường nội khu thông ra đường lớn.
Ngụ tại quận Tân Phú, chị Huỳnh Phương Thảo (nhà đầu tư) cho biết, chị mua căn nhà phố rộng 6x20m trị giá 10 tỷ đồng hồi cuối năm 2016. Ngôi nhà nằm ngay mặt tiền đường Âu Cơ (quận Tân Bình) và hiện được các công ty môi giới định giá khoảng 20 tỷ đồng. Giá căn nhà này đã tăng 100% sau 2 năm. Theo thông tin từ chị Thảo, một căn nhà phố cùng khu vực có diện tích 6x25m nằm trong hẻm xe hơi đường Trần Văn Quang, cách Âu Cơ 150m đang được rao bán với 14 tỷ đồng. Điều đáng nói là, cùng thời điểm năm 2016, tài sản này được bán với giá 4 tỷ đồng, hiện gia chủ hầu như không xây sửa gì. Tính ra, nhà hẻm tăng giá tới 250% so với giá gốc sau 2 năm, trong khi vị trí không đẹp bằng nhà mặt tiền đường.
Tại khu cư xá Lữ Gia (quận 11), căn nhà phố rộng 6x20m, xây 1 trệt 2 lầu nằm trong hẻm xe hơi đang được rao bán với giá 14 tỷ đồng. Cách đây 3 năm, gia chủ chỉ bỏ ra 5,5 tỷ đồng để mua lại nhà này. Sau 3 năm, giá nhà đã đội lên gần 150%. Căn nhà phố 1 trệt 2 lầu (97m2) trên mặt tiền đường Nguyễn Thị Nhỏ, cách đó không xa được rao bán lại với giá 22 tỷ đồng. So với thời điểm chủ nhà mua lại 3 năm trước, giá nhà tăng 90%. Được biết, năm 2016, giá nhà khu vực mặt tiền này đã tiệm cận 12 tỷ đồng mỗi căn.
|
Tại Tp.HCM, giá nhà phố trong hẻm tăng mạnh hơn nhà mặt tiền. (Ảnh: Internet) |
Qua tìm hiểu về biến động giá nhà phố ở nhiều tuyến đường nội thành các quận trung tâm Tp.HCM cho thấy, so với thời điểm cách đây 3 năm, biên độ tăng giá nhà phố, nhà lẻ mặt tiền đường đạt 60-100%. Trong khi đó, biên độ tăng giá của nhà phố trong hẻm liền kề mặt đường tăng tới 100-250%. Một ngôi nhà cấp 4 mặt tiền, diện tích 77m2 tọa lạc trên đường Nguyễn Sơn (quận Tân Phú) được rao bán với giá 11 tỷ đồng. Căn trong hẻm 2,5m cách đó 300m rộng gần 80m2 vừa sang tay với mức giá 7 tỷ đồng.
Là môi giới nhà phố khu vực này, anh Thuận cho hay, 7 tháng trước, nhà mặt tiền được gia chủ rao bán 12,5 tỷ đồng nhưng mãi không bán được nên giảm giá xuống còn 11 tỷ đồng. Đối với căn nhà hẻm, trong năm 2018, đây là lần thứ hai chủ nhà tăng giá khi rao bán. Khách mua giá 6,5 tỷ đồng nay rao bán 7 tỷ đồng vẫn có người hỏi mua.
Về nguyên nhân khiến giá nhà lẻ trong hẻm dễ tăng hơn nhà mặt tiền, theo các doanh nghiệp địa ốc, các căn trong hẻm luôn có giá mềm hơn, phù hợp với cả người mua ở thật lẫn giới đầu tư. Thế nên, so với nhà mặt phố, lượng giao dịch nhà hẻm tốt hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhà trong hẻm được sang tay nhiều lần bởi dân đầu tư. Giá nhà theo yêu cầu của người bán sẽ bị tăng lên, thậm chí là giá ảo sau mỗi lần mua - bán.
Nhà mặt tiền đường thường có giá cao hơn so với các vị trí trong hẻm nên rất kén khách mua. Dân đầu tư lớn sẽ mua dòng sản phẩm này để kinh doanh mặt bằng cho thuê hoặc mua đứt để kinh doanh. Nhà phố mặt tiền vì thế rất ít được giao dịch sang tay. Đồng thời, giá nhà phố mặt tiền cũng ít bị làm ảo bởi nguồn hàng có hạn.
Vậy nhưng, theo các nhà đầu tư lâu năm, tuy biên độ tăng giá nhà mặt tiền thấp hơn nhà trong hẻm song với giá vốn rất cao nên chỉ cần tăng từ 60-80% là nhà đầu tư đã thu lời lớn.
Nhà phố trong hẻm là lựa chọn phù hợp đối với các nhà đầu tư có tài chính vừa phải bởi dòng vốn bỏ ra không quá lớn mà vẫn thu về lợi nhuận khá tốt. Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư cá nhân không mạnh về vốn, đầu tư vào nhà phố hiện là bài toán khó. Trong bối cảnh giá ảo như hiện nay, nếu không bán được hàng thì nhà đầu tư "lướt sóng" rất dễ bị vỡ trận bởi vốn chủ yếu là vay ngân hàng. Còn nếu đầu tư bằng tiền nhàn rỗi hoặc mua để ở thì có thể kỳ vọng vào việc tăng giá khá cao nhưng phải sau một thời gian dài.