Cung, cầu trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đều tăng nhiệt và trở nên sôi động hơn. Đáng chú ý, có tới 22.664 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp địa ốc (61,5%) được mua bởi nhà đầu tư trong nước.
Theo báo cáo của Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research) ngày 3/9 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhóm có mức lãi suất thấp nhất là trái phiếu ngân hàng. Lãi suất của loại trái phiếu này chủ yếu là lãi suất cố định. Nhóm có lãi suất cao nhất thuộc về trái phiếu doanh nghiệp địa ốc, chủ yếu lãi suất thả nổi, trung bình ở mức 10%/năm.
SSI Research cho hay, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản tham gia chào bán trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất trong 8 tháng đầu năm nay, với 44/108 doanh nghiệp. Cụ thể, tổng lượng trái phiếu chào bán là 47.804 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó chỉ có 36.946 tỷ đồng được phát hành. Số dư bán đạt 10.858 tỷ đồng.
Một trong những đặc điểm của lĩnh vực kinh doanh bất động sản là yêu cầu vốn lớn, rủi ro tiềm ẩn nhiều. Hệ số rủi ro mà các ngân hàng thương mại áp dụng là 50% đối với cho vay đảm bảo bằng quyền sử dụng đất, nhà ở. Đối với cho vay kinh doanh, đầu tư bất động sản, hệ số áp dụng là 200% theo thông tư 36/2014/TT-NHNN. Tuy nhiên, trong dự thảo thông tư thay thế, hệ số này sẽ tăng cao hơn nữa. Dễ dàng nhận thấy, lãi suất trái phiếu bất động sản nằm trong nhóm cao nhất vì rủi ro cao hơn.
Trong 8 tháng đầu năm 2019, lãi suất trái phiếu trung bình của các trái phiếu địa ốc là 10,01%/năm. Ở mức lãi suất trái phiếu từ 8%/năm trở xuống chỉ có 4 doanh nghiệp huy động được. Như vậy, lãi suất huy động trung bình khi loại trừ những mức lãi suất này cũng đã lên tới 10,3%/năm.
|
Có tới 60,6% trái phiếu doanh nghiệp địa ốc được mua bởi nhà đầu tư trong nước. |
Trong tổng số trái phiếu bất động sản được phát hành là 36.867 tỷ đồng, các ngân hàng thương mại mua 7.410 tỷ đồng (chiếm 20,1%); các công ty chứng khoán mua 3.250 tỷ đồng (chiếm 8,8%); nhà đầu tư trong nước mua 22.664 tỷ đồng (chiếm 61,5%).
Tổng số trái phiếu doanh nghiệp mà các ngân hàng nắm giữ theo bảng cân đối kế toán ngày 30/6/2019 của 18 ngân hàng thương mại niêm yết là gần 230,5 nghìn tỷ đồng. So với thời điểm cuối năm ngoái, con số này tăng 65 nghìn tỷ đồng. Những ngân hàng tăng mạnh nhất là MBB, SHB, CTG, STB. Techcombank vẫn là nhà băng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất.
Đối với các ngân hàng thương mại, việc mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ linh hoạt hơn so với cho vay. Lý do là, khi cần điều chỉnh những khoản mục tài sản trên bảng cân đối kế toán, ngân hàng hoàn toàn có thể bán lại một phần trái phiếu doanh nghiệp cho các khách hàng cá, nhân, quỹ đầu tư, tổ chức.
Thông qua những giao dịch tài chính phức tạp, một số nhà băng có thể dùng công cụ trái phiếu doanh nghiệp để cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành hoặc các mục đích khác. Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã có văn bản gửi tới các ngân hàng thương mại đề nghị đẩy mạnh kiểm soát hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời nêu rõ sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Động thái này nhằm hạn chế rủi ro tiềm ẩn khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Các ngân hàng ngoài mua trái phiếu bất động sản cũng đã mua tới 3.750 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác. Cụ thể, theo công bố thông tin của các doanh nghiệp, hiện có 9 ngân hàng thương mại mua vào 11.160 tỷ đồng. Con số này chiếm 9,6% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 8 tháng đầu năm. Các ngân hàng mua trái phiếu nhiều nhất gồm MBBank, PVCombank, Techcombank, MSB với trị giá lần lượt là 3.770 tỷ đồng; 1.900 tỷ đồng; 1.510 tỷ đồng; 1.150 tỷ đồng... |
Theo Pháp Luật Tp.HCM Online