Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội thì phần lớn trung tâm thương mại chuyển đổi từ chợ không thu hút được tiểu thương và người dân, nhiều sạp hàng đã phải đóng cửa do ế khách. Vậy nên, thành phố đã quyết định dừng mô hình này.
Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sau khi nhận thấy việc chuyển đổi chợ thành trung tâm thương mại (TTTM) có hiệu quả không cao, thành phố Hà Nội đã quyết định dừng mô hình này.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, hiện thành phố đã đưa vào sử dụng 5 chợ kết hợp với trung tâm thương mại, chuẩn bị đưa vào hoạt động 2 chợ xây dựng thành trung tâm thương mại vạ̀ dự định xây 3 chợ thành trung tâm thương mại.
|
Nhiều TTTM tại Hà Nội hoạt động không hiệu quả. |
Mặc dù đã "thay áo mới" đẹp hơn cho các chợ cũ, nhưng sự chuyển đổi này cũng không mang lại hiệu quả kinh doanh như mong đợi. Mọi người cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do xung quanh các TTTM vẫn còn nhiều chợ cóc hoạt động, giá cả rẻ hơn nên thu hút khách hàng. Chỉ đưa ra một ví dụ nhỏ, khi vào một TTTM, khách hàng phải tiêu tốn một khoảng thời gian không hề nhỏ cho việc gửi xe, còn các chợ cóc hoặc cửa hàng trên phố thì họ có thể tạt vào mua ngay bất cứ lúc nào.
Trước thực tế đó, thành phố Hà Nội đã quyết định tạm dừng chuyển đổi chợ sang trung tâm thương mại.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Công thương cũng cho biết thêm, theo quy hoạch đến năm 2020 và hướng tới năm 2030, để phù hợp với nhu cầu của khoảng 10 triệu người dân thủ đô, Hà Nội sẽ có khoảng 1.000 siêu thị lớn nhỏ các loại.
Cụ thể, đến năm 2020 Hà Nội sẽ có khoảng 19 trung tâm thương mại hạng 1, 15 trung tâm thương mại hạng 2 và 30 trung tâm thương mại hạng 3. Còn về siêu thị, thành phố sẽ có khoảng 23 siêu thị hạng 1, 111 siêu thị hạng 2 và 865 siêu thị hạng 3...
Giải thích về kế hoạch "khủng" này, bà Phương Lan cho biết, theo dự tính của thành phố về mức độ tăng trưởng dân số cũng như kinh tế thì mức sống của người dân sẽ dần được nâng cao, theo đó, nhu cầu mua sắm của người dân tại các địa điểm hiện đại như siêu thị hay TTTM sẽ dần tăng lên. Vì vậy, việc mạng lưới siêu thị sẽ phủ rộng khắp trên địa bàn là nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của đại bộ phận người dân Thủ đô.