Sở dĩ tín dụng bất động sản tăng đột biến là bởi Chính phủ yêu cầu thống kê tính thêm tín dụng tiêu dùng cho người mua nhà và sửa chữa nhà ở. Điều này giúp tránh tâm lý chủ quan là tỷ lệ tín dụng vào địa ốc thấp.
>> Tính đến tháng 8/2019, tín dụng vào bất động sản gần 1,5 triệu tỷ đồng
Chiều ngày 22/10 vừa qua, tại buổi thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã cho biết thông tin trên.
Báo cáo của Chính phủ cho hay, hiện có 1,5 triệu tỷ đồng trong tổng dư nợ tín dụng hơn 7 triệu tỷ đồng rót vào lĩnh vực bất động sản.
|
Tín dụng bất động sản tính đến tháng 8/2019 đạt 1,5 triệu tỷ đồng. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi thảo luận chiều ngày 22/10 vừa qua.
(Ảnh: Thành Chung) |
Theo Ủy viên Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội, đại biểu Bùi Văn Phương (tỉnh Ninh Bình), thị trường nhà đất một số nơi đang "nóng" lên. Tuy nhiên, sức nóng này không đến từ yếu tố thị trường, cung - cầu mà do tâm lý, đặc biệt là tâm lý đám đông.
Ông Phương đặt vấn đề: "Bên cạnh yếu tố đầu tư lướt sóng kiếm lời thì liệu thị trường còn yếu tố nào nữa? Liệu yếu tố điều hành tín dụng vào bất động sản có dễ dãi không? Nếu để tín dụng như vậy thì nguy cơ nhóm nợ xấu mới xuất hiện, nên cần quan tâm vấn đề này".
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (tỉnh Hải Dương) nhìn nhận, cần phát triển đồng bộ hệ thống thị trường địa ốc bởi tổng dư nợ tín dụng hiện nay đổ rót vào lĩnh vực bất động sản khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, thậm chí còn cao hơn nhiều nếu tính thêm tiền vay mua nhà, sửa nhà.
Theo ông Thưởng: "Nền kinh tế chỉ có nguồn tiền đổ vào bất động sản mà không đưa vào sản xuất, kinh doanh, trong trường hợp thị trường bất động sản bất ổn sẽ là gánh nặng nợ xấu, gây bất ổn nền kinh tế".
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lý giải, nguyên nhân khiến tín dụng bất động sản tăng đột biến là vì Chính phủ yêu cầu thống kê tính thêm tín dụng tiêu dùng cho người mua nhà sửa chữa nhà ở nhằm mục đích "để tránh tâm lý chủ quan là tỉ lệ tín dụng cho bất động sản thấp".
Ông Huệ cho biết: "Anh nào có số dư nợ tín dụng từ 5.000 tỷ đồng trở lên thì thống đốc 3 tháng báo cáo Chính phủ và Thủ tướng một lần và chịu trách nhiệm về báo cáo đó".
Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh những giải pháp trọng tâm kiểm soát tín dụng bất động sản như siết chặt cấp tín dụng vào địa ốc, nhất là mức độ tập trung tín dụng vào nhóm khách hàng, một số khách hàng lớn, dự án quy mô lớn, phân khúc nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp.