Qua khảo sát thống kê cho các thị trường xây dựng trong khu vực, Công ty chứng khoán ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - VPBScho biết, chi phí xây dựng tại Việt Nam gần như thấp nhất so với các nước trong khu vực.
Theo dõi bảng thống kê của VPBS, người ta dễ dàng nhận thấy, chi phí xây dựng bình quân năm 2013 cho các loại công trình tại Việt Nam nhìn chung thấp hơn hầu hết các nước trong khi vực và gần tương đương với Indonesia.
|
So sánh chi phí xây dựng của Việt Nam và các nước trong khu vực |
Thị trường xây dựng Việt Nam có một số lợi thế hơn so với các thị trường khác trong khu vực như: chi phí xây dựng và chi phí nhân công thấp hơn, trình độ công nghệ kỹ thuật của nhà thầu trong nước đang dần được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, ngành xây dựng Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Sự sụt giảm năng suất lao động trong những năm gần đây, hạn chế về mặt tài chính nên nhà thầu trong nước vẫn thường đảm nhận vai trò thầu phụ cho các nhà thầu quốc tế ngay tại thị trường nội địa, nhiều vật liệu, thiết bị máy móc xây dựng phải phụ thuộc vào nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang thiếu hụt vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và khu vực tư nhân chưa hào hứng tham gia vào phân khúc này khi chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh cho mô hình hợp tác đầu tư công-tư (PPP); tỷ lệ nợ xấu còn cao sẽ làm nguồn vốn tín dụng vào ngành xây dựng thận trọng hơn.
Song, với điều kiện kinh tế vĩ mô đang được cải thiện giúp duy trì nhu cầu đầu tư vào nhà xưởng-công nghiệp-kho chứa, thị trường bất động sản dần ấm và những nỗ lực của Chính phủ nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh- thu hút đầu tư hy vọng sẽ kích thích giá trị ngành xây dựng 2014 tăng trưởng khả quan hơn năm trước.
Hơn thế nữa, lãi suất cho vay giảm và giá vật liệu xây dựng ổn định sẽ giúp các nhà thầu cải thiện biên lợi nhuận. Những doanh nghiệp có uy tín về tiến độ thi công, chất lượng xây dựng tốt, tình hình tài chính lành mạnh sẽ tiếp tục kí kết được nhiều hợp đồng.
Cùng với đó, tỷ lệ đô thị hóa vẫn còn thấp cùng với tốc độ tăng trưởng dân số 1,2%-1,5% mỗi năm sẽ tạo động lực cho ngành xây dựng Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng trong dài hạn.
Trong tương lai gần, khi thị trường BĐS phục hồi, nợ xấu dần dần được giải quyết và hàng tồn kho tiếp tục giảm sẽ khuyến khích chủ đầu tư mạnh dạn triển khai các dự án mới. Cùng với đó, các chính sách của Chính phủ nhằm tăng cường thu hút vốn đầu tư cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn từ nay đến 2020 sẽ giúp cơ sở hạ tầng Việt Nam cải thiện hơn.