Hỏi: Bố tôi đã nhờ người quen gia hạn quyền sử dụng đất. Để ký một số giấy tờ ủy quyền cho người này đi làm gia hạn, bố tôi theo họ ra phòng công chứng. Do không hiểu biết về pháp luật, bố tôi ký luôn mà không đọc kỹ hợp đồng.
Thế nhưng, người này sau đó đã sử dụng hợp đồng ủy quyền nói trên đi thế chấp sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) cho một tổ chức tín dụng. Vậy xin hỏi luật sư, liệu bố tôi có thể hủy hợp đồng này không?
Trân trọng cảm ơn!
Phùng Thị Hải Yến (Long Thành, Đồng Nai)
|
Nếu ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại.(Ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng ủy quyền được định nghĩa như sau: Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên. Nghĩa vụ của các bên được ủy quyền là thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền. Trong khi đó, bên ủy quyền phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Bên cạnh đó, Điều 569 Bộ luật này cũng quy định rõ rằng: Bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào nếu ủy quyền có thù lao. Tuy nhiên, bên ủy quyền phải trả thù lao cho bên được ủy quyền đối với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện cũng như bồi thường thiệt hại. Bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào trong trường hợp ủy quyền không có thù lao với điều kiện là phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.
Mặt khác, việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng sẽ được bên ủy quyền báo bằng văn bản cho người thứ ba biết. Trường hợp bên ủy quyền không thông báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực (ngoại trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã chấm dứt).
Đối với trường hợp cụ thể của bạn, bố bạn đã bị lừa dối trong hợp đồng ủy quyền. Song, bố bạn không thể tự hủy hợp đồng ủy quyền mà phải yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng ủy quyền cùng hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản vô hiệu bằng bản án. Theo đó, bố bạn phải cung cấp chứng cứ mang tính pháp lý chứng minh bị lừa dối trong việc ủy quyền cho tòa án xem xét để yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Lưu ý là, bố của bạn sẽ khó có khả năng thắng kiện nếu không cung cấp được chứng cứ chứng minh mình bị lừa dối trong hợp đồng ủy quyền.
Luật gia Nguyễn Văn Khôi
Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính Online