Mảnh đất của vợ chồng tôi có vị trí đẹp, rộng 100m2 với sổ đỏ do tôi đứng tên. Năm 2008, vợ tôi qua đời, các con đã có gia đình riêng. Sau đó, tôi lấy vợ mới và giấu các con chuyển quyền sử dụng đất cho cô ấy.
Tuy nhiên, tôi vừa phát hiện đứa con chung giữa tôi và người vợ mới không phải là máu mủ của mình. Vậy xin hỏi luật sư, tôi phải gì để đòi lại mảnh đất đã tặng vợ mới?
Chân thành cảm ơn!
(Huy Lan)
|
Làm thế nào để đòi lại được mảnh đất đã tặng vợ mới? (Ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Trả lời:
Vì thông tin bạn cung cấp không nói rõ mảnh đất đứng tên riêng của bạn hay tài sản chung của vợ chồng nền luật sư giả định 2 trường hợp sau đây:
1. Mảnh đất là tài sản chung của vợ chồng
Do được hình thành trong thời kỳ hôn nhân nên thửa đất là tài sản chung của vợ chồng bạn (dù sổ đỏ do mình bạn đứng tên). Sau khi vợ cũ mất, phần di sản của cô ấy được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế. Thế nên, việc bạn tự ý định đoạt toàn bộ mảnh đất trong khi chưa thực hiện thủ tục khai nhận thừa kế là sai luật. Bạn đã xâm phạm tới quyền, lợi ích hợp pháp của những người thuộc hàng thừa kế nhất nhất của vợ bạn (cha, mẹ, con của vợ).
Theo quy định của pháp luật hiện hành, một trong những người này có quyền khởi kiện ra TAND có thẩm quyền để yêu cầu tòa tuyên Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu và hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho người vợ mới.
2. Mảnh đất là tài sản riêng của bạn
Đối với trường hợp mảnh đất nói trên là tài sản riêng của bạn (có trước khi kết hôn, là tài sản được tặng cho riêng, thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân, tài sản được chia riêng cho bạn theo quy định tại các Điều 38, Điều 39, Điều 40 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014), bạn có toàn quyền định đoạt tài sản mà không cần làm thủ tục khai nhận thừa kế, không cần sự đồng ý của các con bạn.
Liên quan tới việc bạn cho rằng mình bị lừa dối tình cảm, pháp luật hiện hành quy định như sau:
Theo quy định tại Điều 117, Bộ Luật Dân sự năm 2015, trong giao dịch dân sự, chủ thể phải hoàn toàn tự nguyện bởi đây là một trong những điều kiện để giao dịch có hiệu lực pháp luật. Chính vì vậy, nếu một bên tham giao dịch do bị lừa dối, cưỡng ép hoặc bị đe doạ thì có quyền yêu cầu TAND tuyên bố giao dịch đó là vô hiệu.
Kể từ thời điểm xác lập giao dịch dân sự, giao dịch dân sự vô hiệu không làm thay đổi, phát sinh, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên. Mặt khác, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu khi giao dịch dân sự vô hiệu. Theo đó, các bên sẽ hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận. Nếu không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
Tòa án sẽ đánh giá, cân nhắc việc bạn bị lừa dối (con chung không phải là máu mủ của bạn) có liên quan trực tiếp tới giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất hay không. Trường hợp việc lừa dối này không liên quan trực tiếp tới việc chuyển nhượng thì đây không phải là căn cứ để tòa tuyên giao dịch vô hiệu. Vì thế, bạn sẽ không thể đòi lại được mảnh đất.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
(Công ty luật Bảo An, Hà Nội)