Hỏi: Theo Luật Đất đai năm 2013, quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm được quy định như thế nào?
|
Hộ gia đình được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm có 5 quyền và nghĩa vụ liên quan tới tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê. (Ảnh minh họa) |
Trả lời:
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, quyền lợi và nghĩa vụ của hộ gia đình được Nhà nước cho thuê đất giữa hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê và trả tiền thuê hàng năm có sự khác biệt nhất định. Do đó, hộ gia đình được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm cần hiểu rõ những quy định pháp luật về quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình để thực hiện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp trong quá trình sử dụng đất.
Bên cạnh các quyền lợi, nghĩa vụ chung của người sử dụng đất được quy định tại Điều 166, Điều 170 của Luật Đất đai, điểm mới của Luật này năm 2013 nêu tại Khoản 2, Điều 179. Theo đó, hộ gia đình thuê đất còn có 5 quyền, nghĩa vụ khác liên quan tới tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê, gồm: quyền góp vốn bằng tài sản; quyền thế chấp bằng tài sản; quyền cho thuê tài sản; quyền tặng cho, để thừa kế tài sản; quyền bán tài sản.
Thứ nhất, quyền bán tài sản: Hộ gia đình thuê đất trả tiền hàng năm có quyền bán tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê. Khách hàng sau khi mua tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã xác định.
Thứ hai, quyền tặng cho, để thừa kế tài sản: Hộ gia đình có quyền tặng cho, để thừa kế tài sản của mình gắn liền trên đất thuê. Nhà nước tiếp tục cho người nhận tặng cho, người nhận thừa kế thuê đất theo mục đích đã xác định.
Thứ ba, quyền cho thuê tài sản: Căn cứ theo quy định pháp luật về dân sự, hộ gia đình có quyền cho thuê tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền trên đất thuê. Tuy nhiên, bên cho thuê phải đảm bảo cho bên thuê quyền sử dụng tài sản ổn định. Nếu có tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản thuê mà bên thuê không được dùng tài sản ổn định, khi đó bên thuê có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, yêu cầu bên cho thuê bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp được bên cho thuê chấp thuận, bên thuê có quyền cho thuê lại tài sản mình đã thuê.
Thứ tư, quyền thế chấp tài sản: Theo quy định của pháp luật hiện hành, hộ gia đình có quyền thế chấp tài sản thuộc sở hữu gắn liền với đất thuê tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân khác. Đồng thời, khi thế chấp tài sản, hộ gia đình thuê đất còn có các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, quyền góp vốn: Trong thời hạn thuê đất, hộ gia đình thuê đất có quyền góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền trên đất thuê với cá nhân, hộ gia đình, tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phục vụ mục đích hợp tác kinh doanh, sản xuất. Nhà nước tiếp tục cho người nhận góp vốn thuê đất theo mục đích đã xác định.
Tóm lại, trong thời hạn thuê đất, hộ gia đình thuê đất theo hình thức trả tiền hàng năm sẽ được thực hiện các quyền đối với tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền trên đất thuê.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo
(Công ty luật TNHH Đức An)