Hỏi: Bố mẹ chồng để lại cho chồng tôi một mảnh đất tại ấp Cây Xanh, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Từ tháng 11/2017, gia đình tôi đã nộp cho UBND xã đầy đủ các thủ tục giấy tờ để sang tên quyền sử dụng đất nhưng đến nay vẫn chưa xong. Tôi có hỏi thì họ bảo đợi.
Vậy xin hỏi luật sư, để được chuyển quyền sử dụng đất từ bố mẹ sang con chúng tôi cần phải làm gì?
Chân thành cảm ơn!
(thuvuong2609@...)
|
Các trường hợp đăng ký biến động đất đai được quy định tại Khoản 4, Điều 95, Luật Đất đai năm 2013. (Ảnh minh họa) |
Trả lời:
Thông tin mà bạn cung cấp cho biết bố mẹ chồng để lại cho chồng bạn một mảnh đất. Nay vợ chồng bạn muốn làm thủ tục sang tên sổ đỏ đối với mảnh đất này. Tuy nhiên, bạn không nói rõ là mảnh đất đã có Giấy chứng nhận hay chưa và nếu đã có thì Giấy chứng nhận mang tên bố mẹ chồng hay chỉ đứng tên một người. Trường hợp thửa đất do bố mẹ chồng đứng tên thì vợ chồng bạn cần khai nhận thừa kế, lập biên bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Kế đến, bạn sẽ thực hiện thủ tục đăng ký biến động về đất đai.
Các trường hợp đăng ký biến động đất đai được quy định tại Khoản 4, Điều 95, Luật Đất đai năm 2013 như sau:
"4. Đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi sau đây:
a) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ địa chính (được sửa đổi, bổ sung bởi thông tư số 33/2017/TT-BTNMT) quy định tại Điều 9 khoản 2 về hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai:
Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không thuộc trường hợp “dồn điền đổi thửa”; chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng gồm có:
a) Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK;
b) Hợp đồng, văn bản về việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng theo quy định.
Trường hợp người thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là người duy nhất thì phải có đơn đề nghị được đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của người thừa kế;
c) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
d) Văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư;
đ) Văn bản của người sử dụng đất đồng ý cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, góp vốn tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất mà chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất."
Bộ hồ sơ sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà bạn phải chuẩn bị gồm các loại giấy tờ sau:
- Giấy chứng nhận đã cấp (bản gốc);
- Văn bản thỏa thuận phân chia di sản của các đồng thừa kế/di chúc hợp pháp;
- Đơn đăng ký biến động đất đai và tài sản gắn liền với đất (theo mẫu).
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, bạn hãy nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (Phòng TN&MT) hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ do UBND tỉnh quy định (có thể nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi có đất, cơ quan này sẽ chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền).
Ngoài ra, bạn phải nộp lệ phí địa chính khi làm thủ tục sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Quyết định về lệ phí được quy định bởi HĐND tỉnh Tiền Giang.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo
(Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An)