Sau 7 năm dài ảm đạm, thị trường BĐS Tây Ban Nha đang thực sự bước sang giai đoạn hồi sinh với sức tăng trưởng nhanh chóng.
Theo khảo sát gần đây của Fith cho thấy tỷ suất cho vay trên thị trường duy trì ở mức ổn định chứng tỏ về cơ bản nền kinh tế Tây Ban Nha đã phục hồi. Trong thời gian tới, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ cung cấp một lượng vốn vay với tỉ suất thấp cho các ngân hàng.
Thị trường bất động sản (BĐS) Tây Ban Nha cũng đang thu hút được hàng tỷ đô từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Những ông vua đầu tư tài chính lớn như George Soros và John Paulson đã đánh cược cao vào thị trường tại đây khi đầu tư gần 127 triệu USD để mua chứng chỉ quỹ bất động sản Hispania. Mới đây, tỷ phú Bill Gates cũng vừa bỏ ra 155 triệu USD để mua lại 6% cổ phần của công ty xây dựng FCC.
Thời kì ảm đạm của BĐS Tây Ban Nha đã qua.
Trong quý 2 vừa qua, kinh tế Tây Ban Nha có mức tăng trưởng đạt 0,6%, điều này trái ngược hẳn với bức tranh kinh tế ảm đạm của Châu Âu, điển hình là Đức với mức tăng trưởng chỉ đạt 0.2%.
Tuy vậy, nhưng thị trường BĐS Tây Ban Nha cũng còn một lượng tồn kho rất lớn. Theo thống kê của Tây Ban Nha Spanish Statistical Office (INE) thì hiện nước này có tới 68.000 căn hộ được xây dựng trong giai đoạn 2002-2011 bị bỏ trống. Thực tế "bội thực" nguồn cung khiến các chuyên gia BĐS nước này dự đoán rằng giá nhà sẽ giảm trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nền kinh tế Tây Ban Nha cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, điển hình là nạn thất nghiệp luôn ở mức cao.
Thời kì đầu khi gia nhập các nước sử dụng đồng Euro vào năm 1999, nền kinh tế Tây Ban Nha đã ghi nhận một sự tăng trưởng vượt bậc, kéo theo đó thị trường BĐS cũng sôi động không kém. Giai đoạn những năm 2004 - 2008, giá nhà tăng kỉ lục với 44%, khiến nạn đầu cơ BĐS bùng nổ và trên khắp đất nước này "mọc" lên hàng ngàn ngôi nhà.
Thời kì "hoàng kim" của BĐS Tây Ban Nha bỗng dưng "sụp đổ" cùng với sự khủng hoảng kinh tế năm 2008. Kéo theo đó là nhiều những hệ lụy khôn lường như: Hàng loạt nhà băng đóng cửa, các "ông trùm" BĐS vỡ nợ, dự án "đắp chiếu", bỏ hoang ngày một nhiều. Trong 3 năm, kể từ 2003, nền kinh tế nước này đã lao dốc không phanh từ 3.6% xuống còn 0.9%.