Trong năm 2017, thị trường bất động sản Tp.HCM đã trải qua nhiều biến động về chính sách, các sai phạm cũng như các thông tin tin thị trường.
Sau một thời gian phát triển nóng và quy hoạch đô thị không đồng bộ, hạ tầng giao thông tại Tp.HCM bị các dự án bất động sản "bóp nghẹt". Bên cạnh cao ốc nội thành gây sức ép lên hạ tầng giao thông, các siêu dự án ngoại thành dù chưa được triển khai cũng góp phần khiến đất vùng ven thiết lập mặt bằng giá mới. Ngoài ra, những sai phạm trong kinh doanh và xây dựng của các doanh nghiệp cũng khiến thị trường bất động sản năm 2017 pha nhiều mảng màu tối dù đang trên đà phục hồi.
Đề xuất siêu dự án thổi giá đất vùng ven
|
Tháng 2/2017, Tập đoàn Tuần Châu đề xuất triển khai “siêu dự án” 65.000 tỷ đồng tại Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi và một số quận vùng ven khác. Sau thông tin về dự án nghìn tỷ của chúa đảo Tuần Châu, giá đất tại Củ Chi và một số quận vùng ven đã tăng lên 70%, thậm chí giá đất thay đổi từng giờ. Nhiều khu vực, giá đất tăng vọt chỉ sau một đêm. |
Sốt đất lan rộng vượt đỉnh giá năm 2007
|
Thông tin về "siêu dự án" của Tập đoàn Tuần Châu cùng với các thông tin về quy hoạch các quận uyện ngoại thành khiến cho cơn sốt đất vùng ven lan rộng. Giá đất tăng vượt đỉnh giá năm 2007, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tạo nên bong bóng khiến các cơ quan chức năng của Tp.HCM phải vào cuộc bằng cách xác thực thông tin về các siêu dự án cũng như quy hoạch. |
Cao ốc bủa vây cửa ngõ nội đô
|
Các tòa cao ốc thi nhau mọc lên đang gây sức ép lớn lên hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội. Những tuyến đường phải "oằn mình" gánh các cao ốc khiến cho tình trạng ngập lụt, tắc đường xảy ra thường xuyên. Phía Bắc, cao ốc đường Phổ Quang "bủa vây" sân bay, phía Đông đường Nguyễn Hữu Cảnh thường xuyên ngập lụt sâu, ở phía Nam hàng trăm dự án "bóp nghẹt" đường Nguyễn Hữu Thọ. |
Nhiều dự án "bất động" làm xấu bộ mặt thành phố
|
Nhiều dự án nằm trên đất vàng nhưng "bất động" suốt một thời gian dài như The One, dự án KĐT Thanh Đa, Saigon One Tower, Tứ giác Nguyễn Cư Trinh... khiến chính quyền thành phố đau đầu xử lý. |
Nhiều dự án được hồi sinh
|
Sau nhiều năm bị bỏ quên, các dự án có quy mô lớn như Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc, Thuận Kiều Plaza, Kenton Node... đã được khởi động trở lại. |
Điểm nóng xử lý dự án sai phạm
|
Sai phạm xây dựng trên địa bàn Tp.HCM đã không còn là chuyện hiếm gặp. Tuy nhiên, 2017 được cho là năm mà thành phố quyết liệt nhất khi xử lý sai phạm. Nhiều dự án bị cưỡng chế tháo dỡ và xử phạt như Thảo Điền Sapphire, Phúc Yên 2... Trong đó, mức phạt 1 tỷ đồng đối với Thảo Điền Sapphire được cho là lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực này. |
Tín hiệu vui cho căn hộ 25m2
|
Nếu như Tp.HCM đang lo ngại việc xây nhà thương mại 25m2 gây áp lực lên hạ tầng giao thông, xã hội thì Bộ Xây dựng lại "bật đèn xanh" với loại hình căn hộ này. |
Nhiều dự án lớn bị ngân hàng siết nợ
|
Các ngân hàng thương mại liên tục thông báo thu giữ tài sản hoặc bán đấu giá các bất động sản thế chấp của khách hàng dính nợ xấu. Trước hết, phải kể đến Saigon One Tower và nhiều dự án dở dang khác trên địa bàn thành phố. |
Cơ quan chức năng cảnh báo Công ty CP Địa ốc Alibaba
|
Thời điểm cuối năm, nhiều cơ quan chức năng của Tp.HCM đã vào cuộc cảnh báo việc Công ty CP Địa ốc Alibaba tự nhận làm chủ đầu tư dự án "Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi Khu vực VIII-3" và nhiều dự án khác ở Vũng Tàu, Đồng Nai, bán hàng và nhận tiền cọc của khách dù chưa được cấp phép. |
Phân lô bờ sông Sài Gòn
|
Trong năm 2017, thị trường bất động sản Tp.HCM cũng chứng kiến nhiều luồng ý kiến về câu chuyện bờ sông Sài Gòn phải "gánh" quá nhiều dự án khiến cho không gian mặt nước và không gian chung bờ sông chỉ để phục vụ dự án của doanh nghiệp. |