Theo báo cáo mới đây của CBRE về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, tính đến cuối quý 3 vừa qua, ước tính cả nước có tổng cộng 442 khách sạn cao cấp 4-5 sao đang hoạt động, cung ứng 91.236 phòng.
Cụ thể, lượng phòng thuộc nhóm khách sạn 5 sao trong giai đoạn từ năm 2015 tới quý 3/2019 tăng trưởng mạnh với mức tăng bình quân hàng năm đạt 21%. Tỷ lệ tăng trung bình này ở nhóm khách sạn 4 sao là 9%.
Khánh Hòa và Đà Nẵng là những thị trường đứng đầu về nguồn cung phòng khách sạn cao cấp. Lượng phòng khách sạn tại mỗi địa phương khoảng 140.000 phòng. Trong giai đoạn từ năm 2015 đến quý 3/2019, tốc độ tăng trưởng của hai thị trường này đạt hơn 19%/năm. Tại Việt Nam, đây là hai thị trường nghỉ dưỡng lớn, có lợi thế về khí hậu và bờ biển dài, đẹp.
Theo sau Đà Nẵng và Khánh Hòa là thị trường TP.HCM, Hà Nội với nguồn cung phòng khách sạn cao cấp lần lượt đạt 10.600 phòng; 7.900 phòng. Thế nhưng, trong vòng nửa thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng khách sạn cao cấp tại Hà Nội và TP.HCM chỉ ở mức 2-4%/năm.
|
Lượng phòng khách sạn cao cấp tại Phú Quốc gần bằng Hà Nội. Trong ảnh: Huyện đảo Phú Quốc nhìn từ trên cao. |
Đặc biệt, thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất về khách sạn cao cấp là Phú Quốc, đạt mức 36%/năm. Lượng phòng khách sạn nhóm cao cấp tại Phú Quốc đã gần bằng nguồn cung Hà Nội. Có được kết quả này là nhờ các tập đoàn bất động sản nghỉ dưỡng lớn tại Việt Nam ồ ạt rót vốn vào.
Về sản phẩm bất động sản bán (căn hộ du lịch, biệt thự du lịch), từ năm ngoái tới nay, nguồn cung tại các thị trường du lịch trọng điểm đã giảm nhiệt rõ rệt.
Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2017 tới quý 3 năm nay, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm về nguồn cung tích lũy biệt thự du lịch tại 3 thị trường chính Phú Quốc, Khánh Hòa, Đà Nẵng lần lượt đạt 7,3%; 0,9% và 2,6%, thấp hơn những năm 2015-2017 với tỷ lệ tương ứng 27%; 35%; 5,5%.
Giai đoạn sau năm 2017, tốc độ tăng trưởng nguồn cung căn hộ du lịch sụt giảm mạnh. Chẳng hạn, tốc độ tăng trưởng nguồn cung căn hộ loại này tại thị trường Khánh Hòa đạt mức bình quân là 7%/năm. Trong khi đó, cách đây 2 năm, mức tăng này là 239%/năm.
Quản lý cấp cao tại CBRE Hotels Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Thức cho rằng, sau giai đoạn tăng trưởng nóng, nguồn cung khách sạn mới giảm nhiệt là điều cần thiết để giúp thị trường có những điều chỉnh phù hợp, nhất là khi khung pháp lý condotel cần được cải thiện nhằm bắt kịp đà tăng trưởng của thị trường.