Theo yêu cầu của lãnh đạo TP.HCM, để ngăn chặn tình trạng xây dựng trái phép trên địa bàn, những cá nhân vi phạm cần phải xử lý hình sự, cấm xuất cảnh...
Hôm qua (30/7), tham gia hội nghị bàn các giải pháp quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ ra những sai phạm nghiêm trọng để thấy "chính quyền quản chặt đến đâu, buông đến đâu".
Lãnh đạo TP lấy ví dụ, một hộ dân ở Vĩnh Lộc A (Bình Chánh) xin cấp phép xây nhà 2 tầng quy mô diện tích 168m2 nhưng sau đó lại tự ý chia thành 125 căn, nâng tổng diện tích nhà lên tới 1.180m2. Một trường hợp khác cũng xây thành 19 căn dù giấy phép chỉ xây 3 căn. Bên cạnh đó còn có một công ty thương mại hợp khối công trình nhà ở thành chung cư gồm 200 hộ dân với 645 nhân khẩu đang ở.
Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng: "Một người làm cả chung cư cho hàng trăm hộ dân ở thì rõ ràng là buông quản lý chứ không phải không biết". Theo ông Nhân, cần xử lý ngay những cán bộ, công chức, đảng viên làm sai, để xảy ra tình trạng này.
|
Hình ảnh ngôi nhà trên đường Huỳnh Khương Ninh (quận 1, TP.HCM) được cấp phép xây dựng về chiều cao sai quy định. (Ảnh: Trung Sơn) |
Có cùng quan điểm, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu lãnh đạo các sở ngành, 24 huyện quận chấn chỉnh công tác quản lý.
Cụ thể, Sở Tư pháp được giao nhiệm vụ đề xuất những biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm trật tự xây dựng, gồm: cắt điện, nước công trình vi phạm; xử lý hình sự các vi phạm về trật tự xây dựng. Đặc biệt, đối với cá nhân đang chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính sẽ không cho xuất cảnh.
Trong khi đó, với những đối tượng vi phạm nghiêm trọng hay vi phạm nhiều lần, cơ quan công an phải xác minh và xử lý hình sự, nhất là với giới đầu cơ, đầu nậu, xây công trình không phép trên đất nông nghiệp, phân lô bán nền trái phép để trục lợi, gây mất an ninh trật tự, khiến quy hoạch chung bị ảnh hưởng...
Theo thông tin từ Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM trước đó, trong 2 năm trở lại đây đã có 300 cán bộ, công chức thanh tra xây dựng bị kỷ luật cảnh cáo, cách chức hoặc buộc thôi việc. Trong số này, có 1 người bị xử lý hình sự về tội Nhận hối lộ.
Cơ quan này cho hay, việc phát hiện tham nhũng trong lĩnh vực trật tự xây dựng rất khó bởi người đưa, người nhận hối lộ đều được hưởng lợi nên giấu kín. Hơn nữa, đối với những trường hợp "tham nhũng vặt" chỉ vài triệu đồng, vài trăm nghìn đồng, rất ít người tố cáo, vi phạm ngày càng tràn lan.
Được biết, hình thức xử lý của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy là cách tất cả các chức vụ trong Đảng, cảnh cáo... nhiều cán bộ tại Bình Chánh, Thủ Đức. Mặt khác, Công an huyện Bình Chánh cũng đã khởi tố vụ án, điều tra các đầu nậu cấu kết với cán bộ sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho hay, có gần 126.400 giấy phép xây dựng đã được cấp kể từ năm 2017 đến nay, trong đó 89% là giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ.
Trên phạm vi toàn TP.HCM có 6.830 công trình vi phạm. Cụ thể, xây dựng trên đất không được phép, xây dựng không phép trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất chiếm hơn 2.570 trường hợp; trên 3.320 trường hợp sai phép (gần 49%) xây dựng không xin phép trên đất đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng. Lý do dẫn tới thực trạng này là do một số cán bộ, công chức quản lý trật tự xây dựng chưa xử lý kiên quyết, chưa làm tròn trách nhiệm.
|