Theo số liệu từ báo cáo thị trường bất động sản Tp.HCM quý 4/2015 của Công ty JLL Việt Nam, lượng căn hộ Tp.HCM mở bán tiếp tục tăng 12% so với quý 3/2015 và 64% so với quý 4/2014, đạt 7.600 căn, tập trung ở căn hộ cao cấp.
Thị trường Tp.HCM trong năm 2016 dự kiến sẽ đón thêm khoảng 25.000 căn hộ, riêng nguồn cung biệt thự, nhà phố dự kiến đạt 1.150 căn.
Giám đốc Điều hành JLL, ông Stephen Wyatt cho hay: “So với quý 3/2015, giá bán ở phân khúc căn hộ bình dân tăng 2,9%. Biệt thự, nhà phố tăng giá bán tại các dự án ngoại thành có hoạt động xây dựng tích cực và chương trình mở bán sôi nổi.
Tại thị trường thứ cấp, giá bán cũng có xu hướng tăng. Phân khúc biệt thự, nhà phố tăng giá tiếp diễn trên diện rộng. So với quý 3/2015, giá bán ở một số dự án tăng cao từ 4-6%. Xu hướng mua đầu tư (đầu cơ) tiếp diễn cùng với các hỗ trợ tín dụng cho người mua nhà sẽ tiếp tục thúc đẩy lượng giao dịch tăng mạnh trong năm tới,” ông Stephen Wyatt cho hay.
Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia nhà đất, ngoài những người mua để ở, vẫn có nhiều căn được các sàn môi giới gom hàng, cá nhân đầu cơ và cả một số cổ đông chiến lược là công ty nước ngoài mua lại, nhất là sau khi quy định cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam.
Điển hình như dự án Diamond Lotus Lake View của Phuc Khang Corp, 30% số lượng căn hộ dự án đã được Quỹ đầu tư Providence mua lại, đặc biệt có công dân Singapore mua sỉ khoảng 100 căn để ở, phát triển căn hộ khách sạn hoặc bán lại.
Nguồn cung và giá bán tăng liên tục dễ khiến thị trường BĐS "trậ đường ray"
(ảnh minh họa)
Theo số liệu của CBRE Việt Nam, 42.000 căn hộ đã được chào đón trên thị trường Tp.HCM trong năm 2015, (so với năm 2014 tăng 122%), trong đó có hơn 36.000 căn được tiêu thụ (tăng 98% so với năm trước 2014).
Con số này bao gồm các giao dịch bán lẻ và cả giao dịch bán sỉ cho các nhà đầu tư tổ chức, các địa lý môi giới BĐS. Giá bán tại tất cả các phân khúc được chủ đầu tư tăng đều qua mỗi tháng, nhất là các dự án có vị trí tốt, nhiều tiện ích, nhiều không gian xanh.
Trong năm 2015, giá bán trên toàn thị trường sơ cấp trung bình tăng 4,4% so với năm 2014, đạt 2.012 USD/m2; còn giá bán sản phẩm cao cấp so với năm trước tăng vọt 8,3%, đạt 2.025 USSD/m2.
Cá biệt, có những dự án ở vị trí đẹp, chủ đầu tư có uy tín thì giá bán tăng từ 10-15%.
Giá bán và nguồn cung tăng liên tục trong thời gian qua dễ khiến thị trường bất động sản “trật đường ray”.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, ông Lê Hoàng Châu cho biết, so với năm 2014, giá bất động sản đã tăng trung bình từ 5-6%, có dự án tăng 10-15% (tập trung ở phân khúc căn hộ cao cấp).
So với năm 2014, số lượng nhà đầu tư, kinh doanh thứ cấp (cho thuê, mua đi bán lại) tại Tp.HCM trong năm 2015 tăng gấp 3 lần, chiếm 15% trên thị trường bất động sản, chủ yếu tập trung vào phân khúc cao cấp, nhằm vào mục đích mua đi bán lại, hưởng chênh lệch giá.
Sẽ không đáng lo ngại nếu nhà đầu tư, kinh doanh thứ cấp đầu tư trên 50% giá trị hợp đồng mua nhà bằng chính nguồn vốn của mình. Nhưng thực tế cho thấy nhiều nhà đầu tư, kinh doanh thứ cấp đã vay đến 70%-80%, thậm chí có người vay ngoài xã hội với lãi suất cao thì độ rủi ro rất lớn. Đây chính là nhân tố tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho thị trường.
Ông Ngô Quang Phúc, Phó Tổng Giám đốc Him Lam Land cho biết, dưới góc độ chủ đầu tư lo ngại nguồn cung căn hộ dư thừa trong thời gian tới là có cơ sở nhưng không quá nghiêm trọng, đã đảo chiều về phía người bán là các chủ đầu tư.
Không thể phủ nhận thị trường BĐS đang phát triển theo xu hướng tốt, minh bạch, có lợi cho người mua khi có nhiều sản phẩm để lựa chọn. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn cạnh tranh rất lớn giữa của các chủ đầu tư.
Hơn nữa, hiện nay các chủ đầu tư cũng không dại gì khi tung ra quá nhiều sản phẩm mà lại thiếu đi sự nghiên cứu thị trường.
Để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, ông Ngô Quang Phúc lưu ý, người mua nên chọn những thương hiệu uy tín, trực tiếp sở thị dự án mà chủ đầu tư đã làm cũng như hỏi thăm những người dân và nên có trải nghiệm thực tế.
Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính