Các chuyên gia trong ngành cho rằng, cơn sốt đất ở một số tỉnh, thành và 3 đặc khu tương lai thời gian qua chưa đủ để làm nên "bong bóng" bất động sản như năm 2008.
Tại một diễn đàn mới đây, đại diện của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương nhận định, thị trường địa ốc hiện đã có 8/10 dấu hiệu bong bóng gồm: Giá cả, giao dịch, số lượng các công trình khởi công, địa bàn triển khai, giá trị, quy mô dự án, chủ thể tham gia thị trường, nguồn tiền đổ vào các dự án bất động sản. Tám dấu hiệu này đều tăng, có khả năng dẫn tới nguy cơ khủng hoảng nhà đất như năm 2008, vị đại diện cho biết.
Thế nhưng, bàn về vấn đề này, GS.TSKH Đặng Hùng Võ lại khẳng định, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu bong bóng. Theo GS Võ, một trong những dấu hiệu quan trọng của bong bóng bất động sản là sốt đất diện rộng, xảy ra trên toàn thị trường với thời gian liên tục. Đường giá đất sẽ là một đường cong đột biến khi giá tăng theo từng ngày, từng tuần trong thời gian ngắn. Trong khi đó, hiện tại, giá nhà còn có xu hướng giảm.
Tình hình thị trường hiện nay khác hoàn toàn với đợt khủng hoảng những năm 2007-2008. Đồng thời, thị trường cũng không có những bất thường. Chuyên gia này đánh giá: "Ở thời điểm đó, giá đất biến động trên toàn thị trường, ở mọi phân khúc, thậm chí cả đất nông nghiệp cũng tăng. Tuần này tăng 10% thì tuần sau tăng 25%, nhiều nơi còn tính giá theo ngày, theo giờ".
|
Theo giới chuyên gia, hiện chưa phải lo ngại về tình trạng bong bong bất động sản. Trong ảnh: Một dự án bất động sản rơi vào tình trạng bỏ hoang sau cơn sốt đất cách đây vài năm. (Ảnh: Anh Tú). |
Ông Võ nhìn nhận, thời gian qua, cơn sốt đất nền chỉ xảy ra bất thường ở các địa phương hứa hẹn thành đặc khu và một số tỉnh, thành. Thế nên, tình trạng này không thể gọi là dấu hiệu của bong bóng nhà đất hay thị trường khủng hoảng.
GS Võ nhận định, đây chỉ là sốt đất cục bộ. Một trong những lý do quan trọng dẫn tới thực trạng này là những thông tin không tốt về phân khúc chung cư và tâm lý thích đất nền của người Việt từ trước tới nay.
Đồng quan điểm với GS Đặng Hùng Võ, theo Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, hiện thị trường đang ở giai đoạn phục hồi và phát triển ổn định.
Bất kể thị trường nào cũng có biến động lên xuống. Lĩnh vực bất động sản cũng vậy. Thị trường nhà đất giai đoạn này có thể có chiều hướng giảm nhẹ so với trước nhưng không giảm sâu, "lao dốc" hay "đóng băng". Vì thế, không thể coi đây là khủng hoảng bất động sản.
Bàn về tình trạng sốt đất cục bộ, ông Đính cho biết, việc mua đi bán lại của nhà đầu tư ngắn hạn đã làm méo mó thị trường, đẩy giá đất lên cao. Trong khi đó, khách mua để ở lại không tham gia thị trường. Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ ngành đã có những chỉ đạo kịp thời để ngăn chặn sốt đất lan rộng.
Ngay chính Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản cũng thừa nhận, sốt đất chưa tới mức lo ngại bong bóng vì thị trường đang được kiểm soát tốt bởi cơ quan quản lý, đặc biệt là ở các điểm nóng.
Nhiều chuyên gia nhận định, bối cảnh cuộc khủng hoảng bất động sản những năm 2007-2008 rất khác hiện nay. Những thành tố tham gia thị trường trước đây còn khá non trẻ. Hiện tại, các nhà phát triển dự án và giới đầu tư đã từng trải hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn. Đồng thời, cơ quan quản lý về đất đai cũng có trình độ cao hơn trước.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Đính, giới phát triển dự án đã có những nghiên cứu sâu hơn nhằm đưa ra những sản phẩm phù hợp với thị trường. Họ không còn sa đà vào các sản phẩm có độ rủi ro cao. Cùng với đó, người mua thực và giới đầu tư dài hạn cũng biết "né" phân khúc hoặc dự án chứa nhiều rủi ro. Tâm lý đầu tư chạy theo đám đông, theo phong trào tuy vẫn còn nhưng không nhiều.
Các cơ quan quản lý trước đây chưa có nhiều kinh nghiệm nên phản ứng chính sách còn chậm chạp, chưa kịp thời theo sát thị trường. Hiện nay, các bộ ngành đều có những biện pháp để kiểm soát, kiềm chế và điều tiết thị trường khi xuất hiện những hiện tượng tiêu cực.