Ngày 21/9, trao đổi với PV báo Tiền Phong, đại diện của Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết, Cơ quan An ninh điều tra đã gửi công văn đề nghị Chủ tịch UBND TP phối hợp điều tra làm rõ những sai phạm trong việc thực hiện dự án, mua và chuyển nhượng nhà, đất công sản thuộc sở hữu Nhà nước từ năm 2006 đến nay tại Đà Nẵng.
Cơ quan An ninh điều tra gửi Công văn số 817/ANĐT (P4) đề nghị Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cung cấp thông tin, tài liệu quy định về quy trình, thủ tục hồ sơ xin cấp phép, phê duyệt thực hiện dự án xây dựng, giá nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước cho tổ chức, cá nhân của UBND TP Đà Nẵng từ năm 2006 đến nay; Cung cấp hồ sơ liên quan đến 9 dự án, mua/thuê 31 nhà công sản tại TP Đà Nẵng; Chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc (Văn phòng UBND, Sở KH&ĐT, Sở TN&MT, Cơ quan Thuế,...) phối hợp làm việc với Cơ quan An ninh điều tra và cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan.
Nguồn tin của phóng viên cho biết, 9 dự án được yêu cầu cung cấp hồ sơ gồm: Dự án Khu đô thị Harbour Ville của Công ty Đầu tư Mega (năm 2008); Dự án Phú Gia Compoud (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, năm 2007); Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (giai đoạn 1: 181ha năm 2008); Lô 12 Khu B4.1, Khu dân cư An Cư mở rộng (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, năm 2009); Khu đô thị sinh thái Phú Gia ven sông (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, năm 2010); Dự án Công viên An Đồn (năm 2010); Khu đất tại đường 2/9 Phan Thành Tài đường quy hoạch (năm 2012); Khu dịch vụ du lịch nhà hàng Café-Bar và bến du thuyền khu vực trước Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Đà Nẵng phía tây Cầu Rồng (năm 2015); Khu Du lịch ven biển đường Trường Sa của Công ty IVC (4,5ha, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, năm 2007).
Riêng 31 nhà công sản được mua/thuê bao gồm: Số 16 Bạch Đằng (2015); số 20 Bạch Đằng (2009); số 158 Bạch Đằng (2006); số 07 Bạch Đằng (2009); số 100 Bạch Đằng (2010); số 86 Bạch Đằng (chủ cũ) (2007); số 36 Bạch Đằng (2007); số 38 Bạch Đằng (2008) và số 38 Bạch Đằng mở rộng (2009); số 318 Lê Duẩn (hoán đổi) (2014); số 57 Lê Duẩn (2010); số 17 Lê Duẩn (2006); số 319 Lê Duẩn (2010); số 354 Hùng Vương (2004); số 81 Hùng Vương (2004); số 89 Hùng Vương (2004); số 45 Nguyễn Thái Học (2007); số 47 Nguyễn Thái Học (2010); số 49 Nguyễn Thái Học (2007); số 73 Nguyễn Thái Học (2011); số 106 Trần Phú (2008); số 37 Pasteur (2010); số 39 Pasteur (2011); số 02 Hải Phòng (2010); số 82 Trần Quốc Toản (2004); số 107 Hoàng Hoa Thám (2016); số 22 Cô Giang (2007); số 32 Lê Hồng Phong (2004); số 34 Hoàng Văn Thụ (2009); số 11 Phạm Hồng Thái (25) (2001); số 121 Phan Châu Trinh (2012).
Phóng viên báo Tiền Phong đã ghi nhận hiện trạng của một số công trình nhà công sản đã được mua, cho thuê từ năm 2006 đến nay tại Đà Nẵng.
|
Số 20 Bạch Đằng là một khu đất rộng hơn 1.300m2 đã được bao kín. Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2006 UBND TP Đà Nẵng đã đồng ý cho Công ty CP Cung ứng tàu biển thuê số 20 Bạch Đằng với thời hạn 5 năm. Đến năm 2009, Công ty đã có tờ trình đổi tên người nhận quyền sử dụng đất cho một cá nhân khác, UBND TP đã đồng ý về vấn đề này. |
|
Ngay bên cạnh là số 16 Bạch Đằng với diện tích rộng hơn 1.700m2. Trước đây, số 16 Bạch Đằng là đất công sản, được bố trí làm trụ sở cơ quan cho Sở Tư pháp. Hiện tại số 16 và số 18 đã gộp thành một nhà hàng sang trọng, hút khách. |
|
Số 86 Bạch Đằng cũng đã được quây kín. |
|
Số 100 Bạch Đằng hiện đang được sử dụng để kinh doanh.
|
|
Còn đây là dãy nhà số 45 – 47 – 49 Nguyễn Thái Học. |
|
Dãy nhà số 57 Lê Duẩn thuộc vị trí đắc địa ở trung tâm TP Đà Nẵng, hiện đang được kinh doanh, xây khách sạn cao tầng. |
|
Số 37 – 39 Pasteur rộng hơn 960m2 đang được sử dụng để kinh doanh quán cà phê và mở câu lạc bộ Bida.
|
|
Hiện tại, số 07 Bạch Đằng là một nhà hàng nổi trên sông Hàn.
|
|
Khu đô thị Quốc tế Đa Phước nằm tại phường Thuận Phước và Thanh Bình (Hải Châu, Đà Nẵng) là 1 trong 9 dự án được yêu cầu cấp hồ sơ phục vụ công tác điều tra. Hiện, dự án đang được đầu tư xây dựng với quy mô hơn 1.700.000m2. Dự án có thời gian hoạt động là 50 năm kể từ ngày 25/9/2007 theo giấy chứng nhận đầu tư do UBND TP Đà Nẵng cấp.
|