Cơn sốt đất có dấu hiệu chuyển hướng từ khu vực 21 ngàn hécta quanh sân bay Long Thành sang khu vực xã An Viễn khi "cò đất" cố gắn mác gần sân bay trong các khu đất được chào bán.
Quay cuồng giá đất
Khi chính quyền vào cuộc siết chặt tình trạng phân lô bán nền trên địa bàn huyện Long Thành thì cơn sốt đất lại bùng lên tại xã An Viễn. Đây là một xã thuộc vùng sâu của huyện Trảng Bom, ở vị trí giáp với huyện Long Thành. Tại địa phương này, đất đai vốn bạc màu, chỉ phù hợp với cây sắn, cây điều, tràm nên đời sống người dân rất khó khăn. Khi có người từ thành phố về đây mua rừng tràm, đất rẫy điều để phân lô bán nền mà khu vực này bỗng nhiên chộn rộn hẳn lên, hoạt động mua bán diễn ra tấp nập. Một đoạn đường thuộc trung tâm xã An Viễn trước kia vốn đìu hiu thì nay có cả trăm văn phòng giao dịch nhà đất, văn phòng công chứng đua nhau mọc lên.
Thậm chí, không cần mở công ty hay văn phòng mua bán đất hoành tráng, một "cò đất" tên Trang chỉ cần đặt chiếc bảng giới thiệu mua bán đất ở đầu ngõ nhà người quen ở xã An Viễn và đặt một chiếc bàn ở hiên nhà để giao dịch. Khi tiếp phóng viên, 3 chiếc điện thoại của Trang liên tục đổ chuông nên cô phải ngừng lời lên tục để trao đổi với khách và đồng nghiệp.
Trang giới thiệu với phóng viên (trong vai người mua) khu đất nông nghiệp có diện tích 1 hécta nằm trong quy hoạch khu dân cư nằm ở đối diện nhà và cho biết, chủ đất đang rao bán với giá 40 tỷ đồng, hiện tại đã có khách chịu trả giá 37 tỷ đồng. Như vậy, giá đất nông nghiệp ở đây đã tăng giá lên 10 lần so với giá của nhà nước quy định. "Cò đất" này cũng cho biết, đất ở đây có lợi thế là sát với khu công nghiệp Giang Điền, lại gần với sân bay Long Thành (cách khoảng 20km). Trang tiết lộ rằng đã được hưởng 2 lần tiền hoa hồng môi giới ở khu đất này.
Cách đây khoảng 2 năm, khu đất này vốn được người dân trong vùng sử dụng để trồng tràm, khách từ Sài Gòn xuống đây được Trang giới thiệu mua với giá chưa tới 1 tỷ đồng. Chỉ sau 1 năm, cũng khu đất này nhưng được Trang môi giới cho một khách khác với giá 25 tỷ đồng. Mỗi giao dịch thành công, Trang được hưởng 1%.
|
Tại xã An Viên, các công ty mua bán đất mọc lên như nấm (ảnh lớn). "Cò" Trang đang giao dịch với khách hàng (ảnh nhỏ). |
Thấy "người mua" còn do dự, Trang cho biết: “Mua giá này mà phân lô sẽ bán khó vì giá đã tương đương với lô nền rồi”. Cô còn giới thiệuthêm mảnh đất ở vị trí khác là đất quy hoạch nông nghiệp đang được bán với giá 17 tỷ /hécta.
Ngay cạnh khu đất được Trang giới thiệu là những khu đất đã được cắm mốc phân lô, trồng trụ điện và được làm đường. "Cò đất" này cho biết, mỗi lô đất như vậy (chưa lên thổ cư) được rao bán với giá khoảng 700 triệu. Có những lô đất tăng giá hơn gấp đôi chỉ sau chưa đầy 1 năm. Dù được mua qua bán lại nhiều lần nhưng các nền đất ở đây đều hoang vắng, cỏ mọc um tùm chứ chưa có ai đến làm nhà ở.
Chủ nhà nơi Trang đặt điểm giao dịch vốn làm nghề lái máy cày. Trước đây, chiếc máy cày của ông quanh năm làm không hết việc, từ kéo thuê nông sản, kéo tràm cho đến cày ải. Tuy nhiên, từ hai năm nay, nhiều nhà đầu tư đến gom đất để tích trữ, phân lô bán nền nên không còn ai gọi ông chở thuê, cày mướn. Chiếc máy cày cũng bị bỏ quên ở góc vườn. Chủ nhà còn giao luôn căn nhà cấp 4 tuềnh toàng và khu đất rộng hơn 1.000m2 cho "cò đất" rao bán. "Cò" Trang kêu giá bán 5 tỷ đồng. Theo chủ nhà nhận định, mức giá này khoảng năm trước "có nằm mơ cũng không dám nói”.
Lo vỡ quy hoạch
Khi các đơn vị đang hoàn tất thủ tục để triển khai xây dựng thì tỉnh Đồng Nai cũng hướng đến quy hoạch phát triển huyện Long Thành thành đô thị sân bay. Do vậy, huyện Long Thành đã kiến nghị UBND tỉnh đồng ý với chủ trương cho huyện thuê tư vấn quốc tế để lập hồ sơ quy hoạch vùng huyện, đề ra tầm nhìn phát triển tốt về sau.
Trước mắt, huyện Long Thành kiến nghị UBND tỉnh xem xét việc quản lý đất đai quanh khu vực 21 ngàn hécta ở lân cận sân bay Long Thành về các thủ tục hành chính như tách thửa đất, chuyển đổi mục đích sử dụng... Đây đều là những vấn đề hết sức quan trọng để phát triển huyện Long Thành thành đô thị sân bay. Tuy vậy, hiện tại huyện Long Thành cũng không biết 21 ngàn hécta ở mốc giới nào nên chưa thể điều chỉnh quy hoạch. Ông Ngô Thế Ân, Chủ tịch UBND huyện Long Thành đã kiến nghị huyện lập quy hoạch Vùng cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tuy nhiên, quy hoạch sử dụng đất chưa có quy haochj phân khu 1/2000, 1/5000 gây khó khăn trong công tác quản lý.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh cho biết, tỉnh đang tính toán quy hoạch vùng xung quanh sân bay với diện tích 21 nghìn hécta thành khu vực phát triển dịch vụ, khu công nghiệp, công viên chủ đề, khu giải trí, đô thị, logistics. Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai cũng đề ra quy định chặt chẽ về việc tách thửa, đồng thời yêu cầu các địa phương phải đảm bảo việc tách thửa, phân lô phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.
Về việc xây dựng sân bay Long Thành, theo ông Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Tp.HCM: “Ngoài việc xây dựng sân bay Long Thành thì phải quy hoạch vùng khu đô thị sân bay, quy hoạch quản lý chặt khu vực đất quanh sân bay. Nếu không, khi sân bay có xong thì xung quanh đã nát tươm”.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai lập quy hoạch phát triển đô thị sân bay. Ông Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: "Không để xảy ra xây dựng tự phát không theo quy hoạch. Xây dựng sân bay Long Thành đồng thời sẽ xây dựng đô thị sân bay hiện đại. Đô thị ở đây không phải là xây dựng cao tầng mà phải xây dựng một đô thị thông minh, sản xuất, dịch vụ đáp ứng đời sống người dân. Vì vậy địa phương cần phải kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm tình trạng đầu tư xây dựng không theo quy hoạch". |