Phân khúc nhà giá rẻ có nguồn cầu lớn nhất (80%) trên thị trường hiện nay trong khi nguồn cung lại rất khan hiếm. Tỷ suất lợi nhuận thấp cùng hàng loạt cơ chế còn bỏ ngỏ khiến phân khúc này chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Tại Hà Nội, một số doanh nghiệp làm nhà giá rẻ đang phải đối mặt với những khó khăn gì?
Tập đoàn Mường Thanh: Cần có cơ chế ưu đãi vượt trội về tài chính để phát triển nhà giá rẻ
|
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Mường Thanh, ông Đinh Quốc Thắng |
Theo Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Mường Thanh, ông Đinh Quốc Thắng, Nhà nước cần có chính sách, cơ chế đặc biệt để phát triển loại hình nhà ở này.
Thứ nhất, về nguồn lực tài chính, Nhà nước nên có nguồn vốn ổn định từ kinh phí phân bổ của Trung ương tới địa phương. Theo ông Thắng, Nhà nước có thể xem xét phương án trích % GDP cho việc phát triển nhà ở giống như quy định % dành cho nguồn nghiên cứu khoa học (chẳng hạn 0,5-1% GDP) hoặc cũng có thể dành ngân sách nhà nước cố định hàng năm, 5 năm cho phát triển nhà ở, gồm cả ngân sách Trung ương lẫn địa phương.
Thứ hai, về quỹ đất, các tỉnh thành cần có quy hoạch quỹ đất dành riêng cho việc phát triển nhà giá rẻ theo quy định, đặc biệt là với nhà ở xã hội cho thuê.
Thứ ba, các thủ tục hành chính trong quản lý, đầu tư, xây dựng dự án nên được cắt giảm bởi hiện vẫn đang phức tạp, rườm rà. Hơn nữa, để có thể huy động doanh nghiệp địa ốc, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và người dân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân tại các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, TP cần tạo môi trường thuận lợi về thủ tục hành chính, đất đai...
Thứ tư, chính quyền TP cũng cần linh động trong việc điều chỉnh hệ số sử dụng đất, ưu tiên tăng hệ số sử dụng đất với khu vực đô thị mới, hạ tầng đồng bộ. Ngoài ra, Bộ Xây dựng và các tỉnh thành nên nghiên cứu, cho phép xây các căn hộ dưới 45m2 ở các khu vực phù hợp. Thực tế cho thấy, không ít chủ đầu tư đã "gọt" bớt diện tích căn hộ để đáp ứng nhu cầu của nhiều người mua hơn và phù hợp với tiêu chí "giá rẻ".
Căn hộ thuộc phân trung cấp, cao cấp trước đây thường có diện tích lớn nhưng hiện nay chủ dự án đã "chẻ nhỏ" căn hộ để dễ bán hơn cũng như tăng thêm tiện ích. Điều này sẽ giúp cung ứng thêm nguồn cung sản phẩm nhà giá rẻ vốn đang thiếu hụt trầm trọng.
Xuân Mai Corp: Nên có các quy hoạch đồng bộ, lâu dài để phát triển nhà giá rẻ
|
Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và xây dựng Xuân Mai, Bùi Khắc Sơn |
Theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và xây dựng Xuân Mai, ông Bùi Khắc Sơn, nguồn cung căn hộ bình dân đang rất thiếu. Vậy nhưng, trên thực tế, nhiều dự án phân khúc này vẫn tồn kho, thanh khoản kém. Lý do là hạ tầng xung quanh dự án thiếu tính kết nối và chưa đồng bộ.
Dự án bất động sản sẽ giảm giá trị nếu hạ tầng quanh dự án không đầy đủ. Trong khi đó, tuy tọa lạc ở khu vực xa trung tâm nhưng dự án nhà giá rẻ có điều kiện kết nối giao thông, hạ tầng xã hội tốt vẫn rất thu hút khách mua.
Như vậy, đối với cả dự án cao cấp và nhà giá rẻ, việc phát triển đồng bộ hạ tầng là vấn đề cực kỳ quan trọng. Do đó, ông Sơn đề nghị các cơ quan chức năng cần có những quy hoạch lâu dài và đồng bộ. Đặc biệt, nhà nước nên có các hệ số mở trong chỉ tiêu quy hoạch để gia tăng hiệu quả sử dụng đất; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, góp phần tạo ra những căn hộ phù hợp với khả năng tài chính của phần lớn người dân.
Lãnh đạo của Xuân Mai Corp cho rằng, trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm, Nhà nước nên quan tâm tới việc lựa chọn nhà đầu tư dự án bất động sản có năng lực. Hình thức đấu giá đất, thu tiền sử dụng đất sẽ góp phần tạo ra số tiền lớn đầu tư xây dựng hạ tầng kết nối xung quanh dự án. Việc này sẽ giải quyết được tình trạng quá tải về trường học, hạ tầng giao thông, ngập úng trong các khu vực nội đô hiện nay.