Thị trường Tp.HCM hiện đang chứng kiến cuộc đua sôi động của các doanh nghiệp địa ốc trong việc săn lùng quỹ đất vùng ven để phát triển dự án nhằm đón lõng liên kết vùng.
Đón lõng liên kết vùng
Nội dung công bố điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Tp.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, Tp.HCM là đô thị hạt nhân, trung tâm tri thức, trung tâm kinh tế, kinh tế tổng hợp đa chức năng hiện đại ngang tầm với những đô thị tại khu vực Đông Nam Á.
Vùng Tp.HCM bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính Tp.HCM cùng 7 tỉnh lân cận là Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Phước, Tây Ninh và Tiền Giang. Theo quy hoạch được duyệt, tổng diện tích toàn vùng vào khoảng 30.404km2.
Thực tế cho thấy, thị trường bất động sản các tỉnh vùng ven Tp.HCM đã bắt đầu sôi động hơn sau khi quy hoạch này được công bố. Vừa qua, Tập đoàn Novaland đã đề xuất với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc xây dựng Dự án Palm Beach Vũng Tàu quy mô 99,5 ha. Trong khi đó, "Chúa đảo" Tuần Châu cũng đề xuất làm dự án nghỉ dưỡng quy mô gần 400 ha tại Vũng Tàu.
Mới đây, Công ty CP Bất động sản Tiến Phước đã báo cáo với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ý tưởng quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đô thị mới Cỏ May với diện tích 149 ha. Công trình có tổng mức đầu tư 9.000 tỷ đồng, không sử dụng vốn nhà nước. Dự án sẽ được thực hiện theo 4 giai đoạn, trong đó mỗi giai đoạn phải mất 3 năm để hoàn thành.
|
Hiện nhiều doanh nghiệp địa ốc khu vực phía Nam đang tìm quỹ đất để làm dự án. |
Ngoài ra, Tập đoàn W.C.G Worldwide Holdings Inc cũng bày tỏ mong muốn đầu tư một khách sạn 7 sao, bến du thuyền, casino, villas, sân golf, triển lãm, khu nghỉ dưỡng cho người cao tuổi, trung tâm mua sắm, thủy cung... trên tuyến ven biển thuộc huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đề xuất của doanh nghiệp, quy mô dự án khoảng 400 ha, số vốn đầu tư khoảng 5 tỷ Bảng Anh (6,5 tỷ USD).
Săn quỹ đất đón liên kết vùng
Việc sửa đổi quy hoạch vùng mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản đón lõng thị trường khi chuẩn bị quỹ đất để chờ thời phát triển.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, ông Lê Hoàng Châu nhận định, đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp địa ốc bởi 5-10 năm nữa, quy hoạch này mới thực sự phát triển. Bởi lẽ, khi đó hạ tầng giao thông kết nối, chính sách giãn dân về vùng ven của Tp.HCM và liên kết vùng Tp.HCM với các tỉnh lân cận sẽ hoàn thiện, nhu cầu nhà ở tăng lên nên sẽ cần thêm các dự án bất động sản lớn.
Theo ông Châu: "Để chuẩn bị tốt cho thị trường đầy tiềm năng này, các doanh nghiệp buộc sẽ phải săn lùng thâu tóm các quỹ đất ở phạm vi vượt qua ranh giới của Tp.HCM và nằm trong 7 vùng lân cận của Tp.HCM. Nếu thâu tóm quỹ đất ở thời điểm này, doanh nghiệp sẽ có được các lợi thế như có quỹ đất đẹp, giá hiện còn thấp".
Đang mở rộng quỹ đất làm dự án tại Long An, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hung Thinh Corp, ông Nguyễn Nam Hiền cho hay, việc này nằm trong chiến lược phát triển lâu dài của tập đoàn khi định hình lại thị trường, không còn chỉ chú trọng vào thị trường Tp.HCM như hiện nay.
Vin Group thông tin, doanh nghiệp cũng đã có quỹ đất để làm dự án bất động sản, trung tâm thương mại. Him Lam Land cũng đang đề xuất với UBND tỉnh Long An về việc thực hiện một số dự án lớn tại đây. Nam Long, Novaland cũng tuyên bố sẽ làm dự án trên quỹ đất đã có tại Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cùng với đó là nhiều doanh nghiệp nhỏ hoặc không đến từ Tp.HCM cũng tham gia vào cuộc đua để đón lõng thị trường. Chẳng hạn, Trần Anh Long An vừa cho biết đã thâu tóm được quỹ đất rộng hàng trăm ha tại Long An; Công ty CP Bất động sản Thiên Minh cũng thông báo sẽ làm dự án bất động sản lớn ở Bình Dương.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group đánh giá: "Việc chuẩn bị sẵn cho mình những quỹ đất đẹp tại các vùng lân cận Tp.HCM sẽ tạo đà cho doanh nghiệp địa ốc vững chắc hơn trong việc phát triển thị trường thời gian tới khi chương trình phát triển liên kết vùng Tp.HCM mở rộng được thực hiện".