Hình thức mua nhà ở hình thành trong tương lai được nhiều cặp vợ chồng trẻ lựa chọn bởi giá rẻ hơn dự án đã hoàn thiện, không bị áp lực lớn về mặt tài chính và được trả tiền theo tiến độ. Thế nhưng, trên thực tế, không ít gia đình trẻ rơi vào cảnh lao đao khi đã tốn hàng tỷ đồng mua nhà chung cư nhưng dự án lại chậm tiến độ kéo dài.
Dân số TP.HCM không ngừng tăng lên trong những năm gần đây. Dữ liệu từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, dân số đô thị này tăng lên 1 triệu người sau mỗi 5 năm, kéo theo nhu cầu cấp bách về nhà ở. Trong khi đó, do vướng mắc pháp lý khiến nhiều dự án chậm tiến độ suốt những tháng đầu năm 2019 khiến nguồn cung khan hiếm, cộng với yếu tố quỹ đất hạn hẹp nên giá bất độn sản ngày một tăng lên.
Cũng bởi giá nhà quá cao nên nhiều gia đình trẻ không thể chi trả được khi mua căn hộ đã xây sẵn. Thay vào đó, họ thường chọn mua nhà tại các dự án mới mở bán, trả tiền theo tiến độ xây dựng. Hình thức mua nhà ở hình thành trong tương lai có nhiều ưu điểm như khách hàng được trả tiền theo tiến độ, áp lực tài chính không quá nặng nề, giá bán lại rẻ hơn căn đã hoàn thiện vì mức chênh thấp hơn.
Rất nhiều vợ chồng trẻ rót tiền vào các chung cư sắp xây dựng hoặc đang xây dở và hy vọng sẽ có nơi an cư sau khoảng một vài năm.
|
Bỏ cả tỷ đồng mua nhà ở hình thành trong tương lai, nhiều gia đình trẻ rơi vào cảnh lao đao khi dự án "bất động" nhiều năm. (Ảnh minh họa) |
Vậy nhưng, thực tế cho thấy, hình thức mua nhà ở hình thành trong tương lai tồn tại nhiều bất cập như dự án chậm tiến độ, chậm bàn giao nhà hoặc bàn giao nhà không đúng theo hợp đồng. Đáng chú ý, do không xin được giấy phép xây dựng nên nhiều dự án bất động nhiều năm dù đã thu tiền của khách hàng lên tới 70% giá trị căn hộ. Bên cạnh đó, cũng có không ít dự án dù đã bán được tới 90% song 4-5 năm sau đó vẫn chưa thể triển khai.
Đối với những dự án đang xây dựng dở dang, nhiều trường hợp chủ đầu tư vướng tranh chấp khiến công trình bị phong tỏa tài sản. Thậm chí, một số chủ đầu tư còn mang dự án đi thế chấp ngân hàng, nhiều gia đình trẻ vì thế rơi vào cảnh lao đao, nợ nần chồng chất, không nơi bấu víu. Khi đó, người mua nhà trên giấy rơi vào thế "nắm dao đằng lưỡi", vừa không có nhà ở, vừa không đòi lại được tiền.
Tìm hiểu thực tế cho thấy, hiện có hàng nghìn người tại TP.HCM đang mất ăn mất ngủ vì đòi nhà. Họ thậm chí phải bỏ công bỏ việc, chạy đôn chạy đáo khắp nơi kiện tụng, căng băng rôn phản đối... song vẫn chưa có kết quả. Có thể nói, người mua nhà chỉ biết trông đợi vào may rủi khi đã đóng tiền cho chủ dự án nhà ở. Mặt khác, các cơ quan chức năng hiện cũng chưa thể xử lý hết cho người dân bởi có quá nhiều công trình sai phép.
Ngụ tại quận Tân Bình (TP.HCM), chị Trần Thị Minh Anh cho hay, năm 2014, chị bỏ ra 1,2 tỷ đồng để mua một căn hộ ở quận Bình Tân. Kể từ đó tới nay, chị vẫn chưa có nhà ở dù đã đóng tới hơn 70% giá trị căn hộ. Do gặp khó khăn về tài chính nên dự án xây xong phần thô rồi "trùm mền", khách mua chỉ biết "khóc ròng".
Quê gốc Thanh Hóa, anh Trần Văn Nghị mua căn một căn hộ tại quận 8 (TP.HCM) vào năm 2017. Hiện tại, khu đất dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, um tùm cỏ mọc. Qua tìm hiểu, anh Nghị được biết dự án chưa có giấy phép xây dựng. Nhiều lần khách hàng đòi tiền nhưng chủ đầu tư đều né tránh.
Vào năm 2010, anh Hoàng An có mua một căn hộ tại quận Tân Phú nhưng phải tới tháng 9 năm nay mới được nhận nhà. Tuy vậy, khi bàn giao căn hộ, chủ đầu tư không hề có văn bản bàn giao mà chỉ là tờ giấy ký tạm. Thêm nữa, hiện trạng căn hộ thô vẫn ngổn ngang gạch đá.
Điều đáng nói là, khi anh Hoàng An thắc mắc với chủ đầu tư thì nhận được câu trả lời rằng "chúng tôi bây giờ hết khả năng, anh chị nếu muốn vào ở thì phải tự hoàn thiện nhà". Trước tình thế này, vợ chồng anh đành chấp nhận chi thêm vài trăm triệu đồng nữa để hoàn thiện nội thất, dọn vào ở trong khi dự án chưa được nghiệm thu.
Tại TP.HCM, những trường hợp mua nhà ở hình thành trong tương lai như anh Hoàng An, anh Nghị, chị Minh Anh rất phổ biến. Nhiều người đòi nhà đằng đẵng suốt 9, 10 năm trời, quá mệt mỏi đành buông xuôi ở nhà thuê.
Mua nhà để "an cư lạc nghiệp" là một trong những việc hệ trọng của cả đời người. Thế nhưng, người trẻ ngày càng khó mua nhà khi thị trường chưa minh bạch, thiếu thông tin, pháp lý bất cập... Theo thời gian, giá bất động sản không ngừng leo thang, nếu chờ càng lâu thì mức giá càng cao. Có thể nói, giấc mơ sở hữu nhà ở ngày càng nằm ngoài tầm với của gia đình trẻ, nhất là đợi đến khi khung pháp lý ổn định hơn.