Dự báo, đến năm 2020, BĐS khu công nghiệp đón nhận thêm khoảng 6.000 ha từ 13 khu công nghiệp, tổng nguồn cung tương lai sẽ tăng gấp 5 lần nguồn cung hiện tại.
Công ty tư vấn Cushman & Wakefield Việt Nam vừa công bố báo cáo thị trường bất động sản (BĐS )quý III/2014. Theo đó, tình hình hoạt động của thị trường khu công nghiệp tại Hà Nội trong thời gian qua tiếp tục trầm lắng.
Theo đó, tổng nguồn cung các khu công nghiệp là 10 khu, tương ứng với 1.423 ha, so với quý trước là không thay đổi, trong đó, có 4 khu được lấp đầy. Diện tích đất trống cho thuê chiếm 31.5% tổng nguồn cung, giảm 0.5% so với quý trước.
Diện tích đất khu công nghiệp còn trống cho thuê chủ yếu tập trung ở KCN HANSSIP, cao Hòa lạc, Thạch Thất – Quốc Oai, Phú Nghĩa, Nam Thăng Long, Nội Bài (Giai đoạn II). Trong đó, tỷ lệ trống nhiều nhất là ở KCN cao Hòa Lạc với gần 386 ha chiếm 78% tổng đất trống.
|
Tổng nguồn cung BĐS khu công nghiệp tương lai sẽ tăng gấp 5 lần
nguồn cung hiện tại. |
Giá thuê tại các khu công nghiệp khoảng 2.17 triệu đồng/m2/kỳ (tương đương 102 USD/m2/kỳ), chưa bao gồm thuế, giảm 2.1% so với quý trước. Tuy nhiên, với mức giá thuê này Hà Nội tiếp tục là nơi có mức phí thuê cao nhất so với các tỉnh/thành phố khác thuộc phía Bắc Việt Nam. Phí quản lý dao động từ 0,2 USD đến 1 USD/m2/tháng.
Về đầu tư, các khu công nghiệp tại Hà Nội thu hút được khoảng 21 quốc gia đầu tư với các dự án tập trung ở ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cơ khí và điện tử. Dẫn đầu trong hạng mục đầu tư này tiếp tục là Nhật Bản, Trung Quốc và Hồng Kông.
Theo dự báo của Cushman & Wakefield, đến năm 2020, thị trường BĐS khu công nghiệp sẽ chào đón thêm khoảng 6.000ha từ 13 khu công nghiệp, nâng tổng nguồn cung tương lai lên con số bằng 400% so với nguồn cung hiện tại. Nếu tính đến năm 2030, hướng tầm nhìn đến 2050, BĐS khu công nghiệp Hà Nội sẽ tiếp nhận thêm khoảng 33 khu công nghiệp với diện tích 8.000 ha. Các ngành nghề thu hút đầu tư chủ yếu là các ngành thân thiện với môi trường, các ngành công nghiệp phụ trợ, các ngành đòi hỏi nhiều chất xám và các ngành công nghệ cao.
Bên cạnh đó, theo nhìn nhận của các chuyên gia, trong thời gian tời, nhu cầu nhà xưởng xây sẵn dự kiến sẽ tăng mạnh bởi có quá nhiều công ty sản xuất chuyển từ Trung Quốc sang các quốc gia khác. Việt Nam là quốc gia có nguồn lao động dồi dào, giá lại rẻ nên cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của các công ty này. Thực tế, trong nửa đầu năm 2014, đã có nhiều nhà sản xuất giày dép danh tiếng như Nike, Puma, Adidas và Samsung có ý mong muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu đơn đặt hàng lớn ngày càng gia tăng.
Giám đốc điều hành Công ty CBRE Vietnam, ông Richard Leech đã có cái nhìn khá lạc quan về phân khúc BĐS này tại Việt Nam trong tương lai. Ông nói: "Tôi cho rằng BĐS khu công nghiệp ở Việt Nam sẽ là phân khúc mang nhiều triển vọng. Theo quan sát của chúng tôi, có khá nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian vừa qua, trong đó, đáng ghi nhận là các công ty lớn của Hàn Quốc và Nhật Bản. Với nguồn vốn đầu tư như vậy chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao đà tăng trưởng phân khúc BĐS khu công nghiệp".