Hiện nay, không ít khách thuê dịch chuyển văn phòng ra khu vực ngoài trung tâm TP. Hà Nội bởi mức độ thuận tiện trong di chuyển hạn chế.
Có 3 tiêu chí khi xét mức độ thuận tiện trong di chuyển của một thành phố. Thứ nhất là tính sẵn có, mức đầu tư và mật độ dịch vụ giao thông chia sẻ (chương trình chia sẻ xe đạp, xe máy và ô tô); thứ hai là quy mô, mức độ đổi mới của hệ thống tàu điện; thứ ba là chất lượng cơ sở hạ tầng đô thị gồm các vấn đề như ô nhiễm không khí, tắc đường, khả năng đi bộ, mạng lưới xe đạp và hình mẫu đô thị.
Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội, bà Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng, trong 3 tiêu chí nêu trên, hiện Việt Nam đang thiếu 2 tiêu chí là hệ thống tàu điện và giao thông chia sẻ. TP. Hà Nội và Tp.HCM còn nhiều điểm có thể cải thiện tiêu chí cuối cùng. Cả hai thành phố này chưa dành tới 9% diện tích đô thị cho đất giao thông. Trong khi đó, tỷ lệ này tại Tokyo, Singapore, Seoul, Thượng Hải là hơn 12%.
|
Giao thông hạn chế đã và đang khiến nhiều khách thuê dịch chuyển văn phòng ra khỏi khu trung tâm TP. Hà Nội. |
Theo Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội, ông Bùi Trung Kiên, tại Việt Nam, đối tượng khách thuê là doanh nghiệp có xu hướng dịch chuyển tới những khu vực có kết nối tốt nhất bởi mức độ thuận tiện trong di chuyển còn hạn chế ở các thành phố.
Khu vực trung tâm TP. Hà Nội trước đây từng rất hút khách thuê. Thế nhưng, khách thuê dần dịch chuyển ra khu vực ngoài trung tâm do giá thuê tăng, di chuyển khó khăn, mất nhiều thời gian và lưu lượng giao thông không ngừng gia tăng.
Tại Hà Nội, dự án hệ thống metro đang ưu tiên các bến khu vực phía Tây và cận trung tâm. Điều này tạo ra lợi thế kết nối cho các tòa văn phòng tọa lạc tại những khu vực này. Một nguyên nhân khác khiến khách thuê chuyển văn phòng khỏi khu trung tâm (quận Hoàn Kiếm) là số lượng nhân viên cư trú tại khu vực cận trung tâm (các quận Đống Đa, Ba Đình) lớn nhất với 763.000 người, khu vực phía Tây là 420.000 nhân viên.
Mức tăng trưởng trong công suất thuê của khu vực cận trung tâm cũng phản ánh rõ xu hướng dịch chuyển ra ngoài trung tâm của khách thuê văn phòng. Cụ thể, công suất thuê của khu vực cận trung tâm tăng từ mức 40% (2015) lên hơn 80% (2018). Trong khi đó, khu vực phía Tây có công suất thuê ổn định trên 93%.