Hàng loạt văn phòng môi giới nhà đất buộc phải "tháo chạy" khỏi Phú Quốc bởi giao dịch ế ẩm. Cùng với đó, những người từ nơi khác đến đây buôn đất bị mất một khoản tiền đặt cọc khá lớn.
Mới đây, chính quyền tỉnh Kiên Giang đã ra nhiều quyết định thanh tra các sai phạm về đất đai tại huyện Phú Quốc. Mặt khác, địa phương này cũng đã quyết định tạm dừng mọi hoạt động phân lô, tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên địa bàn cho đến khi thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng như quy hoạch chung xây dựng huyện đảo Phú Quốc. So với thời gian sốt nóng kéo dài trước đó, thị trường địa ốc nơi đây đã giảm nhiệt bởi động thái này. Đáng chú ý, hàng loạt văn phòng môi giới nhà đất đã đóng cửa, rút khỏi Phú Quốc do giao dịch ế ẩm.
|
Biển hiệu của một văn phòng môi giới nhà đất tại Phú Quốc đã được tháo xuống. |
Theo ghi nhận của phóng viên báo Người lao động, tại một số tuyến đường lớn ở Phú Quốc như Nguyễn Trung Trực, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, 30/4, Cách Mạng Tháng Tám, rất nhiều văn phòng môi giới nhà đất mới "mọc" lên trong đợt sốt đất vừa qua đã lần lượt hạ bảng hiệu, rời khỏi huyện đảo Phú Quốc.
|
Tuy vẫn mở cửa nhưng công ty giao dịch bất động sản này không có khách. |
Nhân viên tư vấn bất động sản tên T. thông tin, thời gian trước bất động sản tại "đảo ngọc" nóng sốt do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính là do có một nhóm nhà đầu tư bỏ ra hàng chục, hàng trăm tỷ đồng gom các khu đất nông nghiệp để phân lô bán nền kiếm lời. Tuy nhiên, thị trường bất động sản Phú Quốc đã bất ngờ giảm nhiệt từ khi chính quyền địa phương công bố quyết định thanh tra và yêu cầu tạm dừng các hoạt động phân lô, tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
|
Một văn phòng môi giới nhà đất đóng cửa im ỉm, không có nhân viên trực. |
|
Tại Phú Quốc, hàng loạt văn phòng giao dịch bất động sản đều đã đóng cửa. |
Theo anh K., nhân viên tư vấn bất động sản của một văn phòng tại đường Cách Mạng Tháng Tám (khu phố 10, thị trấn Dương Đông): "Lúc trước, tôi đi tư vấn tại các điểm phân lô bán nền và nhận ủy quyền bán đất cho các chủ đã mua. Nhưng kể từ ngày tỉnh và huyện ra quyết định tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khiến cho việc mua bán đất trở nên khó khăn. Công ty tôi phải trả văn phòng, rút về đất liền".
Môi giới này cho hay, giao dịch ế ẩm kéo dài, chi phí thuê mặt bằng ở Phú Quốc đắt đỏ cộng với các khoản phải trả cho nhân viên, tiền điện nước, ăn ở cũng rất tốn kém nên nếu không nhanh chóng rút lui thì công ty có thể phá sản sớm.
Khảo sát thực tế của phóng viên cho thấy, những văn phòng môi giới còn bám trụ lại cũng rất vắng vẻ, do không có người tới giao dịch nên nhiều nơi "cửa đóng then cài". Cùng với đó, hình ảnh nhân viên lũ lượt xuống đường chào mời, chèo kéo khách cũng không còn xuất hiện tại các dự án phân lô bán nền. Khung cảnh nơi đây lại trở nên vắng lặng như trước khi sốt đất xảy ra. Thậm chí, có nơi chủ đầu tư còn tháo cả bảng dự án khu dân cư.
|
Một văn phòng công chứng ở huyện đảo Phú Quốc |
|
Lượng người đến các phòng công chứng làm thủ tục nhà đất rất thưa thớt. |
Vào sáng ngày 6/6 vừa qua, theo ghi nhận của phóng viên, tại Phòng Công chứng số 2 (đường Nguyễn Trung Trực) và Phòng Công chứng Phú Quốc (đường 30/4), người dân đến giao dịch rất thưa thớt. Một nhân viên phòng công chứng cho biết, từ sau khi chính quyền ban hành quyết định tạm ngưng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phân lô, tách thửa thì số người đến văn phòng giao dịch sụt giảm mạnh. Cách đây không lâu, phòng công chứng phải làm cả ngày thứ 7 vẫn không hết khách thì nay gần như cả phòng chỉ… ngồi chơi.
Thời gian gần đây, nhiều người từ nơi khác đổ tới Phú Quốc mua đi bán lại đất nền để kiếm lời đã phải "ôm hận" khi mất một khoản lớn tiền đặt cọc. Lý do là, khi đến ngày ra công chứng cũng là lúc quyết định tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất có hiệu lực, không ít người buộc phải bỏ cọc, không ra công chứng để trả tiền và ký hợp đồng mua bán.