Nhà ở luôn là vấn đề bức thiết lớn với người dân khu đô thị. Tuy nhiên, có một thực tế đang diễn ra tại Tp.HCM là rất nhiều người lại không mấy "mặn mà" với những khu TĐC được bố trí, thậm chí là quay mặt lại với những khu TĐC.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Tp.HCM, hiện thành phố có khoảng 32.000 căn hộ tái định cư (TĐC) sẵn sàng phục vụ công tác di dời TĐC cho những hộ dân bị thu hồi đất. Con số này chưa thực sự cao so với nhu cầu thực tế của người dân sau khi di dời.
Các dự án TĐC bị "bỏ hoang"
Năm 2008, khi dự án nhà TĐC Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) khởi công đã được đánh giá sẽ trở thành khu nhà TĐC lớn nhất Tp.HCM. Đến nay, mặc dù đã hoàn thành hơn một năm nhưng dự án chỉ được biết đến với lượng tồn kho rất lớn.
Dự án nhà TĐC Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) có quy mô rộng hơn 30 ha do Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị thành phố làm chủ đầu tư với tổng số vốn 1.062 tỉ đồng. Dự án gồm 45 lô chung cư với gần 2.000 căn hộ và 559 nền đất dùng làm quỹ nhà TĐC cho các dự án trọng điểm trên địa bàn Tp.HCM.
|
Khu tái định cư Vĩnh Lộc B. |
Mặc dù đã bàn giao nhà từ năm 2010, song đến nay, chỉ lác đác hơn 200 căn hộ có người ở và vài chục nền đất được xây dựng. Điều đáng nói đây là nơi bố trí TĐC cho các dự án giải tỏa của 13/24 quận huyện của Tp.HCM.
Cũng như số phận của dự án trên, dự án khu nhà TĐC Bến Ba Đình, Q.8 đã bị bỏ trống cả 4 năm nay.
Chung cư 481 Bến Ba Đình gồm 2 khối chung cư 15 tầng, tổng số 350 căn hộ, nằm gần trung tâm quận 5 và khá gần với trung tâm thành phố... Theo dự tính ban đầu, dự án là nhà ở thương mại để bán ra thị trường, nhưng sau đó dùng để bố trí TĐC cho dự án rạch Ụ Cây giai đoạn 2. Tuy nhiên người dân giải tỏa lại không chịu về đây ở.
So với hai khu TĐC trên thì khu TĐC Thạnh Mỹ Lợi (nằm tại Q.2) có đông người ở hơn, nhưng hầu hết người dân ở khu TĐC này đều bất mãn với chất lượng dự án. Khu vực này thuộc dự án TĐC cho hơn 3.000 người dân ở Thủ Thiêm. Và rất nhiều người dân trong số đó đang phải sống trong nỗi lo thom thóp vì sự xuống cấp nhanh chóng của chung cư.
Bên cạnh 2 dự án điển hình trên, tại Tp.HCM còn có hàng loạt dự án khác như khu dân cư Bắc Rạch Chiếc (Q.9) với hơn 100 căn hộ dùng để bố trí TĐC cho dự án bắc Rạch Chiếc; chung cư Tân Hưng (Q.7) có 72 căn hộ được đưa vào sử dụng từ năm 2006; khu Tân Mỹ (Q.7) có 300 căn hộ... nhưng cũng chỉ có vài hộ dọn về ở. Một vài nhà TĐC ở quận 2 đông hộ sinh sống hơn nhưng lúc nào cũng có sự than phiền.
Trong khi các khu nhà TĐC vẫn chưa thể an cư thì chủ đầu tư của những dự án này cũng “khổ sở” khi phải gánh đủ chi phí. Chẳng hạn như, dự án 481 Bến Ba Đình (Q.8) đã đầu tư với nguồn vốn khá lớn, chỉ tính riêng lãi vay doanh nghiệp này phải trả hơn 10 tỉ đồng, chưa tính đến các khoản bảo trì, vận hành nhà TĐC…
Hơn 1.000 căn hộ TĐC tại chung cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Không thu hút được người đến ở, chủ đầu tư phải tự mình chi trả hàng loạt các khoản phí quản lý, bảo dưỡng.
Điều đáng bận tâm ở đây là không chỉ các công ty tham gia xây dựng nhà TĐC gánh nợ mà ngay cả chính quyền cũng tốn tiền vào việc bảo trì nhà TĐC.
Chất lượng không đảm bảo
Qua khảo sát của phóng viên tại một số dự án nhà ở TĐC có thể thấy, nhiều căn hộ đang xuống cấp trầm trọng. Người dân không khỏi bức xúc trước tình trạng mới dọn về được thời gian ngắn nhưng tường đã bị nứt, trần nhà bị bong tróc, hư hỏng nặng.
Theo anh D, (một cư dân có nhà tại dự án nhà ở TĐC) chia sẻ, người dân ở đây đã nhiều lần báo với chủ đầu tư, nhưng rồi đâu lại vào đấy, chủ đầu tư không giải quyết, nỗi khổ lại đè lên đầu người dân.
Chưa hết, đường vào khu TĐC này thì khá dễ dàng, nhưng đường ra lại khá gian nan. “Tuyến đường này, xe tải lớn qua lại thường xuyên, dải phân cách rất dài. Nhiều người dân liều chạy ngược chiều thường bị công an bắt phạt”, anh D bức xúc.
Tại nhiều khu TĐC khác, có rất nhiều block đã xuống cấp, sụt lún, tường nhà nứt nẻ, sơn tường bị bong tróc, vấn đề vệ sinh như nước sạch, rác thải cũng khiến các hộ dân ở đây không khỏi mệt mỏi, chán nản.
|
Nhiều hạng mục tại dự án 481 Bến Ba Đình (Q.8) đã xuống cấp. |
Thậm tệ hơn là vấn đề an ninh xã hội tại một số khu TĐC cũng rất bất ổn. Dự án khu TĐC rộng hàng ngàn hecta nhưng chỉ được bố trí một vào bảo vệ trông coi. Người dân không khỏi lo lắng bởi nơi họ đang sinh sống lại cũng là điểm tập trung tệ nạn xã hội như hút chích, cướp giật ... Điện thoại, túi xách không cẩn thận là bị giật ngay.
Chất lượng công trình không đảm bảo, cơ sở hạ tầng thấp kém, an ninh xã hội không an toàn là nguyên nhân chính yếu dẫn đến tình trạng người dân không mấy "mặn mà" với các căn hộ thuộc khu TĐC. Không chỉ thế, giá đền bù cho người dân cũng không thỏa đáng nên nhiều hộ gia đình dù bị cướng bức nhưng nhất định không chịu di dời.
Thực tế, có nhiều người dân khi được bố trí về ở TĐC nhưng rồi họ chỉ đến vài ngày lại phải dọn đi nơi khác để thuê mướn mặt bằng làm ăn. Bởi tại khu TĐC không có người ở, họ cũng không làm ăn kinh tế được gì.
Giải pháp nào cho người dân TĐC
Theo kết quả khảo sát đời sống hậu tái định cư của người dân bị thu hồi đất thuộc 104 dự án phát triển kinh tế - xã hội Tp.HCM từ năm 2010 đến nay của Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM ghi nhận một số điểm như sau:
Vấn đề quan tâm hàng đầu của người dân nơi đây là giá bồi thường cần được nâng lên và thời gian bồi thường cần được thực hiện sớm, nhanh.
Bên cạnh đó, TP cũng cần có các hình thức hỗ trợ, trợ cấp thêm, tạo điều kiện cho người dân trong vùng được vay vốn kinh doanh, học tập. Đồng thời, miễn giảm học phí, giới thiệu việc làm ổn định cho dân.
Nơi ở TĐC không nên quá xa so với nơi ở cũ, chất lượng căn hộ chung cư cần được cải tạo và nâng cao hơn, cơ sở hạ tầng, dịch vụ, an ninh xã hội cần nâng cấp và đảm bảo hơn....
Nguyện vọng của người dân là như vậy nhưng các cơ quan chức năng, những đơn vị liên quan thực hiện giải quyết đến đâu và như thế nào vẫn còn là dấu chấm hỏi lớn. Và không biết đến bao giờ người dân mới thoát khỏi cảnh sống khổ đủ bề nhưng không biết kêu ai.