Trước khi bỏ tiền mua bất động sản, các nhà đầu tư thường suy xét, cân nhắc kỹ lưỡng bởi đây là tài sản lớn. Vậy nhưng trên thực tế, không ít nhà đầu tư trong nhiều hoàn cảnh đã xuống tiền bởi sự chi phối của yếu tố cảm xúc.
Ngụ tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, chị Nguyễn Thanh Huyền tình cờ đến với bất động sản năm 2018. Nhà đầu tư không chuyên này khốn đốn một thời gian sau phi vụ đầu tư thất bại. Chuyện là, trong chuyến du lịch vào TP. Nha Trang, chị Huyền tới thăm một người bạn cũ và người này đã rủ chị đầu tư đất. Với tâm lý đi xem cho biết, chị đã tới lễ mở bán một dự án bất động sản. Tại lễ mở bán dự án đất nền có đông người tới dự, nhiều khách ồ ạt xuống tiền. Chị Huyền lúc đó cảm thấy choáng ngợp và nghĩ rằng đây là dự án rất tiềm năng, có khả năng sinh lời cao. Ngay tức thì, chị Huyền gọi điện nhờ người thân chuyển tiền qua tài khoản, xuống tiền mua luôn một lô đất.
Có thể nói, trường hợp của chị Huyền là đầu tư theo đám đông, đầy cảm tính. Chị Huyền cho hay: "Rất đông người ào ào xuống tiền và tranh nhau mua sản phẩm khiến tôi nghĩ rằng đây là món hời lớn và mình không thể bỏ qua". Như vậy, nhà đầu tư này đã bỏ qua rất nhiều bước quan trọng khi rót tiền vào đất nền như khảo sát, kiểm tra pháp lý, tiềm năng dự án. Vì nhất thời, chị Huyền mua phải dự án có giá bán cao hơn hẳn so với mặt bằng chung trên thị trường. Chị Huyền không thoát được hàng sau khi đóng 50% tiến độ thanh toán. Thậm chí, trong các lần thanh toán tiếp theo, chị phải vay mượn thêm bạn bè, người thân.
Cho tới thời điểm hiện tại, chị Huyền vẫn nghi vấn rằng, sự ồn áo, náo nhiệt của buổi mở bán khi đó thực chất là màn kịch đánh vào lòng tham của người mua, khiến chị cũng như nhiều khách hàng khác quyết định xuống tiền theo cảm xúc?
|
Thay vì theo cảm xúc nhất thời, mọi lĩnh vực đầu tư gồm cả bất động sản đều phải dựa trên những quy tắc, nguyên tắc nhất định. (Ảnh minh họa) |
Trường hợp đầu tư bất động sản của anh Văn Tiến Hạ (quận Hà Đông, TP. Hà Nội) cũng khá đặc biệt. Vì thấy "thương môi giới" nên anh đã quyết định chi tiền mua đất. Anh Hạ chia sẻ, nhân viên môi giới đã "chăm sóc" anh trong một thời gian dài. Môi giới gửi thông tin những dự án tiềm năng cho anh Hạ tìm hiểu trong suốt hơn 2 năm. "Bạn môi giới này rất kiên trì và bền bỉ, giới thiệu cơ hội đầu tư cho tôi trong suốt khoảng thời gian dài nhưng chưa một lần tôi xuống tiền. Nguyên nhân là có dự án tôi không đánh giá cao tiềm năng, còn lúc gặp dự án hay, đáng đầu tư thì tôi không sẵn dòng tiền", anh Hạ nói.
Vào năm 2017, anh Hạ được môi giới này giới thiệu một dự án đất nền ở tỉnh với giá bán khá rẻ, từ 400-500 triệu đồng mỗi nền. Anh Hạ cũng đã xuống tận nơi tìm hiểu, tham quan dự án. Tuy giá rẻ và pháp lý rõ ràng nhưng anh vẫn rất phân vân bởi nguồn cung lân cận rất dồi dào. Thế nhưng, cuối cùng anh Hạ vẫn quyết định mua đất vì thấy môi giới quá nhiệt tình, đã tận tình tư vấn suốt hơn 2 năm, hơn nữa lô đất cũng khá rẻ, có tiềm năng tăng giá cao. Nhà đầu tư bày tỏ: "Phần nhiều tôi xuống tiền mua vì thấy ái ngại với bạn môi giới đó. Cơ hội đầu tư đó không phải là cơ hội tốt nhất xuất hiện trong cùng thời điểm. Mảnh đất đó để tăng giá thì cần khoảng thời gian dài, từ 3-5 năm, trong khi vì cảm xúc nhất thời, tôi quên mất, do vốn không lớn nên nguyên tắc đầu tư của mình chỉ là chôn tiền 1-2 năm".
Là môi giới kiêm nhà đầu tư địa ốc tại TP. Hà Nội, anh Hồ Lâm cho hay, trên thực tế có rất nhiều nhà đầu tư xuống tiền theo cảm xúc. Họ không đủ "tỉnh táo", lý trí để suy xét, nhận định các yếu tố thị trường. Theo anh Lâm, một kiểu khác của nhà đầu tư bất động sản theo cảm xúc là họ mua đất khi giá tăng cao và rút lui khi thị trường trầm lắng. Vị này nhấn mạnh: "Trong khi đó, với một nhà đầu tư chuyên nghiệp, thị trường sốt nóng không phải là lúc xuống tiền. Ngược lại, khi thị trường trầm lắng mới là cơ hội lý tưởng để đầu tư".
Anh Lâm cho rằng, mọi lĩnh vực đầu tư đều cần phải dựa trên những quy tắc, nguyên tắc nhất định chứ không phải là cảm xúc nhất thời. Đặc biệt, sự hiểu biết, kiến thức của nhà đầu tư với thị trường được xem là nền tảng của các quy tắc, nguyên tắc.