Doanh thu của các doanh nghiệp BĐS đang bị sụt giảm mạnh bởi hoạt động kinh doanh trong mấy tháng vừa qua trầm lắng do lệch pha cung – cầu tác động tới thị trường. Với dự báo thị trường còn nhiều khó khăn sẽ bất lợi đến nhiều doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này.
Lệch pha cung - cầu, lợi nhuận của doanh nghiệp BĐS giảm mạnh
Các chủ đầu tư lớn chuyên phát triển dự án nhà ở thuộc phân khúc trung cấp đã không có sản phẩm bán trong 6 tháng đầu năm nay.
Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM dự báo, trong giai đoạn từ 2017 - 2020, thị trường BĐS sẽ có sự điều chỉnh lớn nhằm giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu như hiện nay.
Ngay trong năm 2017, các yếu tố khó khăn của thị trường đã bộc lộ rõ. Nguồn cung sản phẩm không đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường, vừa thừa lại vừa thiếu. Phân khúc sản phẩm vừa túi tiền có giá dưới 2 tỷ không có nhiều.Ngay cả phân phúc cao cấp cũng không có nhiều sản phẩm mới.
Tình trạng thiếu cung thể hiện rõ qua việc vắng bóng những dự án mới của các tên tuổi vốn chiếm lĩnh nguồn cung lớn trên thị trường. Đơn cử, trong 8 tháng qua, Novaland chỉ có một vài dự án mới. Phát Đạt cũng tiếp tục thực hiện các sản phẩm đã đưa ra thị trường của năm 2016. Đất Xanh cũng khá trầm lắng trong hoạt động ra mắt sản phẩm mới.
Các chuyên gia dự báo, tình hình này còn tiếp tục khó khăn khi thị trường BĐS tồn kho lớn do lệch pha cung - cầu. Vì vậy, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp BĐS khó có thể cải thiện. Trong khi đó, nguồn doanh thu của doanh nghiệp BĐS lại phụ thuộc vào tiến độ cung ứng hàng hoá.
Qua các công bố tài chính của một số doanh nghiệp BĐS quy mô lớn đã niêm yết cho thấy các doanh nghiệp đang trong tình cảnh khó khăn thật sự. Theo báo cáo tài chính mà Đất Xanh công bố, trong quý II-2017, lợi nhuận sau thuế của đơn vị này chỉ đạt 51,3 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ năm 2016 (hơn 119 tỷ đồng). Theo giải thích của Đất Xanh, nguyên nhân giảm là do các dự án doanh nghiệp đầu tư đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Việc ghi nhận doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp BĐS chỉ được thực hiện khi các dự án được hoàn thành, bàn giao sản phẩm. Trong khi đó, chi phí bán hàng lại gia tăng do áp lực cạnh tranh ngày càng cao hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2017, chi phí bán hàng của Đất Xanh đã tăng lên 120 tỷ đồng so với 98 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt,chi phí quản lý doanh nghiệp cũng đã tăng gần 40%, tốn đến 103 tỷ đồng.
Hay như Novaland, sau mấy năm doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh, đến năm 2017, các chỉ số đều sụt giảm. Kết quả là, kinh doanh hợp nhất quý II-2017 của Novaland bị giảm tới gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý II-2017, doanh thu thuần của công ty này giảm đến 48,6% so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 1.423 tỷ đồng).
Tính lũy kế 6 tháng năm 2017, doanh thu thuần của công ty này chỉ đạt 3.333 tỷ đồng, giảm gần 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu, lãi sau thuế của Novaland chỉ đạt hơn 841 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái giảm hơn 45%, hoàn thành 29% kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra.
Novaland cho hay, doanh thu của doanh nghiệp này giảm là do số lượng bàn giao các sản phẩm trong quý II-2017 thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái và chênh lệch giảm khoản ghi nhận doanh thu của hoạt động tài chính từ đánh giá lại khoản đầu tư hợp nhất kinh doanh từng giai đoạn của các công ty con mới.
Hiện tại, các doanh nghiệp đều đang lo lắng về tình hình kinh doanh không mấy khả quan sẽ diễn ra trong thời gian tới. Phản ứng với dấu hiệu khó khăn trong tương lai, có doanh nghiệp BĐS đã phải cắt giảm nhân sự mạnh tay. Số lượng tinh giảm lên đến cả trăm người.
Tuy nhiên, ngay cả kỹ sư, kiến trúc sư muốn thay đổi chỗ làm việc cũng không phải dễ dàng. Một phần là do thời điểm này không phải là lúc các công ty BĐS tuyển dụng, lại rơi vào lúc doanh nghiệp thiếu sản phẩm để đầu tư, cùng với tình hình thị trường không có nhiều dấu hiệu tươi sáng. Anh Hoàng, một kỹ sư vừa quyết định nghỉ việc tại một công ty có tiếng trên thị trường cho biết, dù đã nỗ lực liên lạc nhiều nơi nhưng vẫn chưa được câu trả lời tuyển thêm nhân sự.
Trong những tháng tới, tình trạng lệch pha cung - cầu vẫn tiếp tục diễn ra. Phân khúc căn hộ trung cấp chào bán ra thị trường trong nửa năm 2017 đã giảm đến 42,1%. Những chủ đầu tư lớn chuyên phát triển dự án thuộc phân khúc này đã không có sản phẩm bán trong 6 tháng đầu năm nay và đến thời điểm này sắp hết quý III-2017 vẫn không cải thiện tình hình. Qua chia sẻ của các doanh nghiệp, với quỹ đất khan hiếm như hiện tại và thời gian triển khai thủ tục dự án dài chính là những yếu tố tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Từ diễn biến nguồn cung hiện tại, dự báo tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong vài năm tới đây sẽ khó tránh khỏi khó khăn sau khi hoạt động kinh doanh đã ghi nhận nguồn doanh thu lợi nhuận từ các dự án sẽ hiện đang triển khai xây dựng và sẽ đưa vào bàn giao trong năm 2018.