CBRE Việt Nam vừa công bố Nghiên cứu tổng quan thị trường bất động sản Hà Nội quý III , cho thấy nhiều tín hiệu tích cực đáng ghi nhận.
Lượng giao dịch căn hộ tại Hà Nội tăng mạnh
Theo đó, thị trường nhà ở tiếp tục tăng trưởng tích cực, số căn hộ mới mở bán và lượng giao dịch trên thị trường tăng lên.
Trong quý III có 26 dự án mở bán căn hộ mới, tổng lượng căn hộ chào bán trên thị trường đạt 9.160 căn hộ, trong đó đã bán được hơn 7.000 căn hộ, tăng 154% so với cùng kỳ năm trước.
Lượng giao dịch căn hộ trong 9 tháng đạt trên 15.000 căn hộ, vượt cả năm 2014 và đạt đỉnh năm 2009.
Lượng căn hộ cao cấp giao dịch thành công trên thị trường tiếp tục đạt con số ấn tượng, trong 9 tháng có 2.900 căn hộ cao cấp được mở bán, chiếm 32% tổng số căn hộ mở bán mới. Số lượng căn hộ cao cấp giao dịch thành công chiếm 29% tổng lượng căn hộ được giao dịch trên thị trường.
Giá thứ cấp bình quân tính theo USD và VND của thị trường nhà ở đều tăng, tính theo USD tăng 1,4% và theo VND tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Các dự án mới và đang xây dựng có mức tăng giá cao hơn so với các dự án đã hoàn thiện từ trước.
Bên cạnh đó giá sơ cấp căn hộ bình quân tăng từ 5 - 7% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo đánh giá của CBRE Việt Nam, thị trường văn phòng và thị trường bán lẻ Hà Nội trong quý III có giá thuê gần mức đáy. Điều này đã góp phần ổn định giá thuê trên thị trường trong thời gian qua.
Giá chào thuê căn hộ hạng A tại Hà Nội đã tăng nhẹ 0,3% trong khi giá thuê căn hộ hạng B tăng 0,6% so với quý trước.
Trong quý III các tòa nhà văn phòng hạng A và hạng B tại Hà Nội đã có sự cải thiện đáng kể về tỷ lệ lấp đầy. Có 3.800m2 văn phòng hạng A và 23.000 văn phòng hạng B được cho thuê thành công. Khách thuê chủ yếu là các doanh nghiệp nước ngoài.
Dù thị trường bất động sản Hà Nội trong 9 tháng đã sôi động trở lại, nhưng theo ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, chưa có cơ sở cho thấy bong bóng xuất hiện trên thị trường bất động sản Hà Nội.
Nhận định trên đưa ra dựa trên các giao dịch trên thị trường hiện nay xuất phát từ nhu cầu nhà ở thực của người mua, mặt bằng lãi suất, lạm phát đang được ổn định ở mức thấp, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chỉ trên 10%. Các nhân tố này hoàn toàn khác với giai đoạn 2007 – 2010 khi tỷ lệ tăng trưởng tín dụng quá nóng (trên 30%), lãi suất, lạm phát cao đã dẫn tới tình trạng đầu cơ trên thị trường.
Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính