Kể từ đầu năm 2019 đến nay đã có gần chục sàn giao dịch địa ốc được khai trương và sau hơn 1 năm vắng bóng, môi giới từ các tỉnh thành Hải Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội cũng xuất hiện trở lại tại Vân Đồn. Họ đều "nỗ lực" thổi giá đất nơi đây nhưng không thành khi cả giá bán lẫn lượng giao dịch đều tăng không đáng kể, hiện đã dừng lại. Vậy nguyên nhân nào khiến giá đất Vân Đồn khó sốt nóng?
Theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP PR và Phát triển đô thị Phú Quý, ông Nguyễn Mạnh Hà, giá đất Vân Đồn trên thực tế mới hồi phục, tương đương với mức giá giai đoạn trước khi có lệnh cấm giao dịch hơn 1 năm trước. Ông Hà chỉ ra 4 nguyên nhân khiến giá đất Vân Đồn khó tăng mạnh trong năm nay:
1. Nguồn cung ít
Ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, lượng dự án và sản phẩm bất động sản tại huyện Vân Đồn còn hạn chế. Các dự án đủ điều kiện chào bán trên phạm vi toàn huyện đảo chưa tới hai con số và chủ yếu là dự án quy mô nhỏ. Tuy một số dự án có thể được mở bán trong năm 2019 nhưng lượng hàng cũng chưa lớn.
Chính vì thế, các lô đất thổ cư hoặc sản phẩm của những dự án cũ sẽ được nhà đầu tư mua đi bán lại. Trong thời gian ngắn, giá đất Vân Đồn trước khi có lệnh cấm giao dịch cũng bị thổi tăng khá cao. Vậy nên, ông Hà Cho rằng, trước khi có các nhân tố mới mang tính "cú hích" thị trường thì nhà đất Vân Đồn trong ngắn hạn sẽ bị chững lại.
|
Nguồn hàng ít, chưa có chủ đầu tư lớn dẫn dắt thị trường, rủi ro pháp lý... là những nguyên nhân khiến đất Vân Đồn khó sốt. Trong ảnh: Một dự án đang được mở bán tại huyện Vân Đồn. (Ảnh: Anh Tú) |
2. Chưa có chủ đầu tư lớn dẫn dắt thị trường
Ông Hà cho hay, muốn có sự gia tăng mạnh mẽ về giá bán bất động sản thì thị trường phải có đủ những điều kiện quan trọng nhất gồm nguồn cung dồi dào, hạ tầng thuận lợi và có chủ đầu tư lớn dẫn dắt. Mặc dù hạ tầng Vân Đồn hiện khá tốt nhưng lại thiếu hai yếu tố còn lại.
Theo vị này, việc chủ đầu tư lớn có ra hàng trong năm nay hay không sẽ quyết định nhà đất tại Vân Đồn có tăng giá mạnh bởi chủ đầu tư lớn sẽ định hình mặt giá quanh khu vực dự án tọa lạc. Tại Vân Đồn hiện nay, một số chủ đầu tư đã công bố dự án song sản phẩm vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển, chưa có hàng để bán. Thậm chí, để chờ chính sách vĩ mô, một số dự án còn được triển khai cầm chừng.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP PR và Phát triển đô thị Phú Quý nhấn mạnh: "Nếu thị trường chỉ được dẫn dắt bởi các dự án quy mô nhỏ và một nhóm người thì sóng sẽ chỉ duy trì được thời gian ngắn và mức giá tăng cũng không lớn".
3. Lo ngại rủi ro về pháp lý
Chính quyền huyện đảo Vân Đồn hiện đã cho phép giao dịch, mua bán đất thổ cư trở lại. Thế nhưng, cơ quan chức năng vẫn chưa gỡ bỏ lệnh cấm sang tên, tách thửa. Khách hàng vì thế phải chấp nhận mua cả lô đất lớn với diện tích vài trăm m2. Hai bên mua - bán chỉ có thể làm hợp đồng công chứng trong trường hợp mua đất tách thửa. Do đó, nhà đầu tư rất e ngại khi thực hiện giao dịch bất động sản.
Ông Hà cho hay, đối với đất dự án trong khu đô thị đang làm hạ tầng và đã mở bán, tính an toàn pháp lý cũng là lo ngại lớn nhất đối với nhà đầu tư. Theo tìm hiểu của phóng viên, có tình trạng mua bán dự án khi chưa đủ điều kiện bán hàng tại Vân Đồn.
4. Nhà đầu tư có nhiều lựa chọn
Ông Nguyễn Mạnh Hà nhận định, tại khu vực phía Bắc, thị trường địa ốc một số tỉnh gần Hà Nội như Bắc Ninh, Hưng Yên... hiện đang khá tốt. Do vậy, giới đầu tư không quá quan tâm với đất Vân Đồn - một nơi xa hơn, nguồn cung ít và giá cũng tương đối cao. Nhà đầu tư "lướt sóng" sẽ chuộng đất nền các tỉnh giáp ranh Hà Nội bởi mặt bằng giá thấp, tiềm năng tăng trưởng trong ngắn hạn được kỳ vọng cao.
Theo ông Hà, đất Vân Đồn chắc chắn sẽ tăng giá trong dài hạn (3-5 năm). Lý do là, hiện giá đất trung bình tại Vân Đồn nằm trong khoảng từ 30-45 triệu đồng/m2. Mức giá này vẫn còn thấp hơn nhiều so với các thành phố du lịch khác. Chuyên gia này cho rằng, mức độ tăng của giá đất Vân Đồn còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là chính sách vĩ mô của Nhà nước đối với huyện đảo này.