Thị trường BĐS đang chứng kiến sự ra đời của hàng loạt dự án nhà ở cho người thu nhập thấp. Chính sách hỗ trợ vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng dành cho vay mua nhà ở dưới 1,05 tỷ đồng từ Chính phủ... đã mở rộng cơ hội sở hữu nhà của người thu nhập thấp.
Song, bên cạnh những niềm hứng khởi của thị trường và người mua nhà thì các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) cho rằng, vẫn còn nhiều vướng mắc và khó khăn cần giải quyết để thị trường phát triển ngày một lành mạnh, bền vững hơn.
Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh (HungThinh Corp): Người mua nhà của chủ đầu tư cấp 2 cần được hỗ trợ
Thị trường BĐS trong những tháng cuối năm đã có nhiều tín hiệu ấm lại. Theo chu kỳ, quý IV hằng năm, việc mua sắm bao giờ cũng tăng mạnh hơn, trong đó có mua nhà.
Cuối năm cũng là dịp nguồn kiều hối gửi về Việt Nam gia tăng và cũng là yếu tố góp phần tạo nên sức ấm cho thị trường BĐS.
|
Theo chu kỳ, quý IV hằng năm, việc mua sắm bao giờ cũng tăng mạnh hơn,
trong đó có mua nhà. (Ảnh minh họa. Nguồn: timkiemvanphong). |
Nếu chính sách mở rộng cơ hội mua nhà của Việt kiều tại Việt Nam được Quốc hội thông qua thì dự báo thị trường sẽ sôi động và ấm hơn nhiều.
Ông Trung cho biết, quan điểm của Hưng Thịnh đối với đầu tư BĐS là nhìn vào khách hàng tiêu thụ trực tiếp người Việt Nam là chính chứ không phải các nhà đầu cơ. Vậy nên, những dòng sản phẩm có giá vừa phải tại Tp. HCM hiện đang nhận được sự giao dịch hết sức khả quan.
Bên cạnh đó, Hưng Thịnh cũng đã tiết giảm rất nhiều chi phí để giảm giá thành sản phẩm, tiến tới ngày càng phù hợp với túi tiền của người mua.
Theo ông Trung, khó khăn của phân khúc căn hộ giá thấp hiện nay là những dự án được các chủ đầu tư mua lại - chủ đầu tư cấp 2. Những người dân mua dự án của chủ đầu tư cấp 2 sẽ rất thiệt thòi, bởi, theo quy định của gói 30.000 tỷ đồng thì khách hàng mua sản phẩm từ các dự án này chưa được hỗ trợ vay vốn.
Từ đó, vị lãnh đạo này cũng bày tỏ mong muốn những khách hàng khi mua sản phẩm của chủ đầu tư cấp 2, mà có giá thành dưới 1,05 tỷ đồng cũng sẽ được vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Vì vấn đề ở đây là căn hộ nào chứ không phải là nhà đầu tư nào.
Ông Trần Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang (Phúc Khang): Phân khúc nhà ở giá dưới 15 triệu sẽ giao dịch tốt
Thị trường BĐS sẽ có nhiều chuyển biến tích cực nếu chính sách cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam theo Luật kinh doanh BĐS được thông qua.
Ông Tam cho biết, nguồn cũng của phân khúc nhà ở giá thấp đang rất thiếu do việc tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng rất khó khăn và gặp nhiều vướng mắc do thủ tục rườm rà. Hiện ở Tp. HCM mới chỉ 2 doanh nghiệp BĐS được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng này và việc giải ngân của gói này cũng đang chậm.
Thực tế, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ khoảng 2.000 USD/năm thì việc phát triển mạnh phân khúc cao cấp là rất khó, số lượng người có nhu cầu về nhà ở giá thấp nhiều là điều đương nhiên. Bên cạnh đó, hàng năm, ở Hà Nội và Tp. HCM, có hàng trăm nghìn người dân nhập cư sẽ tạo nên lực cầu rất lớn.
Ông Tam nhận định, trong thời gian tới, nhà ở có giá từ 15-20 triệu đồng/m2 sẽ nhận được sự giao dịch tốt.
Hiện Phúc Khang có 05 dự án nhà ở giá thấp và trung bình, với tổng số hơn 1.000 căn.
Đồng thời, ông Tam cũng bày tỏ những khó khăn gặp phải khi triển khai căn hộ giá thấp. Trong đó, thủ tục hành chính là rào cản lớn nhất. Một khi thủ tục hành chính được rút ngắn thì giai đoạn đầu tư dự án cũng sẽ không bị kéo dài và giá thành sản phẩm cũng sẽ thấp hơn rất nhiều. "Tôi tin là Chính phủ và các nhà làm luật, các nhà quản lý cũng nhìn ra điều này", ông Tam nói.
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Kinh doanh BĐS Thanh Yến (ThanhYenLand): Đưa phương pháp tận dụng diện tích vào thiết kế căn hộ
Việc đầu tư vào căn hộ giá cao hay thấp phụ thuộc vào hiệu suất sử dụng vốn của DN.
Vị lãnh đạo của ThanhYenLand cho biết, việc vừa làm chủ đầu tư vừa là nhà phân phối sẽ giúp đơn vị này có cái nhìn kỹ thuật tốt hơn.
Một khi khách hàng chấp nhận hy sinh diện tích ở thì khi thiết kế căn hộ, chủ đầu tư phải theo phương pháp tận dụng diện tích. Từng không gian bếp, phòng ngủ đều cần phải điều chỉnh, đặc biệt, mỗi căn được thiết kế ít nhất phải đủ 02 nhà vệ sinh.
Những khách hàng chọn căn hộ giá thấp, họ cũng quan tâm đến khuôn viên như thế nào, chỗ để xe ra sao…
Tùy từng dự án để áp dụng việc chẻ nhỏ căn hộ, giúp gia tăng nguồn cung cho phân khúc nhà giá thấp. Ví dụ, căn hộ 90m2 thì chỉ điều chỉnh xuống được 60m2. Về lý thuyết, cứ 300 căn hộ sau khi điều chỉnh diện tích sẽ tăng lên khoảng 400 căn. Thực tế, chúng ta chỉ chọn những căn hộ quá lớn để chẻ mà vẫn đảm bảo được kết cấu kỹ thuật của dự án và phải được các cơ quan chức năng xem xét.
Thực hiện các bước trên để đảm bảo khi chẻ nhỏ căn hộ thì quy hoạch không bị phá vỡ. Nếu những dự án chẻ nhỏ diện tích nhưng không đáp ứng yêu cầu thì khách hàng cũng không lựa chọn.
Việc chẻ nhỏ căn hộ sẽ tốn kém kinh phí của chủ đâu tư hơn nhưng quan trọng là bán được. Nếu đầu tư không bán ra được thì một đồng DN cũng không đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành: Doanh nghiệp BĐS phải cạnh tranh tổng lực
Ông Đực nhận định, năm 2015, sự cạnh tranh trong phân khúc nhà ở sẽ rất khắc nghiệt. Các dự án nhà ở giá thấp không chỉ cạnh tranh về giá mà còn phải cạnh tranh về tiện ích của dự án. Đối với những dự án có vị trí không tốt, sẽ có DN phải chấp nhận bán hòa vốn, thậm chí là lỗ.
Về nguyên tắc, nhà giá thấp thì tiện ích cũng sẽ thấp. Nhưng hiện nay, để bán được, thì nhiều dự án phải có tiện ích tốt hơn so với mặt bằng giá thấp. Yêu cầu của người mua bây giờ về thiết kế căn hộ, vị trí, tiện ích công cộng… cũng tăng lên nhiều. Vì thế, các DN BĐS cần phải cạnh tranh tổng lực.
Vấn đề tăng nguồn cung bằng cách chia nhỏ diện tích căn hộ lớn chưa thực sự phát huy hiệu quả cũng là điểm nghẽn cho nguồn cung căn hộ giá thấp.
Đồng thời, thủ tục hành chính còn nhiêu khê, phức tạp khiến gói 30.000 tỷ đồng giải ngân chậm, nhiều người mua nhà chưa tiếp cận được nguồn vốn rẻ cũng là một nguyên nhân dẫn đến thị trường BĐS có thể sôi động hơn.
Để thị trường BĐS "ấm lại" và phân khúc nhà ở giá thấp chuyển động mạnh mẽ, cần phải có những biện pháp mạnh dạn hơn, thực tế hơn. Ngân hàng và các ban ngành liên quan cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau, tích cực tháo gỡ những khó khăn tồn động, từ đó, mở rộng cơ hội tiếp cận nguồn vốn để việc sở hữu chốn an cư của người dân được hiện thực hóa một cách dễ dàng hơn.