Mới đây, TAND Tp.HCM đã quyết định mở thủ tục phá sản đối với chủ đầu tư dự án PetroVietnam Landmark (Quận 2) dựa trên yêu cầu của một khách hàng. Sự việc đang khiến 400 khách hàng mua nhà của dự án này như ngồi trên lửa.
1 khách hàng trên 400 khách hàng
Chiều 1/3, TAND Tp.HCM xác nhận đã ban hành quyết định mở thủ tục thông báo phá sản đối với Công ty PVC Land, chủ đầu tư của dự án PetroVietnam Landmark theo đơn yêu cầu của bà Trần Thị Châu Giang (ngụ tại quận 3), một trong số hơn 400 khách hàng mua nhà tại dự án.
Trước đó, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự Quận 2, ông Tạ Đức Ngăn cũng cho biết, để đảm bảo thi hành án cho khoản nợ của bà Châu Giang Chi cục Thi hành án dân sự đã ban hành quyết định phong tỏa hơn 15.000m2 của dự án này. Quyết định cũng nêu rõ sẽ tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của PVC Land đối với quyền sử dụng diện tích đất này.
Đại diện Công ty PVC Land cho biết, căn hộ của bà Châu Giang vẫn đang trong quá trình hoàn thiện để bàn giao nhà. Công ty đã thuyết phục bà Châu Giang nhận nhà nhưng khách hàng không chịu nên Công ty cũng đang đàm phán để trả lại số tiền 1,6 tỉ đồng mua căn hộ 1,9 tỉ đồng (trước đó Công ty đã trả 300 triệu đồng). Hiện công ty đã tiến hành bàn giao được khoảng 70 căn nhà cho khách sau một thời gian dự án bị "đóng băng". Theo kế hoạch, đến cuối năm 2017 Công ty sẽ bàn giao hết, và đến tháng 6/2018 thì người dân sẽ chính thức vào ở. Thế nhưng, quyết định mở thủ tục phá sản của tòa án đã làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án, khiến 400 khách hàng khác đã đóng đến 80%, thậm chí 100% giá trị căn hộ rơi vào cảnh phấp phỏng, lo sợ.
Việc Tòa án mở thủ tục phá sản khiến 400 khách hàng mua dự án
PetroVietnam Landmark hoang mang
Hàng trăm khách hàng mua căn hộ tại dự án cho biết , họ đã làm đơn kêu cứu gửi lên Bí thư Thành ủy Tp.HCM Đinh La Thăng sau gần 5 năm đòi nhà trong vô vọng. Bí thư Thành ủy TP đã chỉ đạo tiếp nhận phản ánh của người dân.
Ông Trần Việt Huy, một khách hàng đã nhận nhà và đang tiến hành hoàn thiện căn hộ để vào ở cho biết: “Hơn 5 năm nay, tôi chờ để được giao nhà. Khi chúng tôi đang hoàn thiện nhà để vào ở thì lại có quyết định mở thủ tục phá sản đối với chủ đầu tư. Vậy thì hơn 400 hộ dân chúng tôi sẽ phải đi đâu nếu chủ đầu tư tuyên bố phá sản? Quyết định của tòa không dựa trên quyền lợi của hơn 400 khách hàng khác mà chỉ lo bảo vệ cho quyền lợi của 1 cá nhân. Như vậy liệu có công bằng?”. Bà Thùy Mị, đại diện cho khoảng 200 khách hàng tại dự án, cũng rất bức xúc: “Chúng tôi không hiểu tòa án đang bảo vệ cho ai đây và vì lý do gì? Bởi với quyết định như vậy thì nguy cơ chúng tôi bị mất nhà là rất lớn”.
Tòa sẽ đình chỉ quyết định nếu trả được nợ
Thẩm phán Nguyễn Hồng Ân, người ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với PVC Land khẳng định, quyết định này dựa trên quy định của pháp luật. Luật Phá sản có quy định, khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
“Sau khi thụ lý đơn, tòa cũng có gửi thông báo đến Công ty nhưng hai bên không thỏa thuận được nên chúng tôi buộc phải ra quyết định mở thủ tục phá sản", ông Ân cho hay. Ngoài ra, ông Ân cũng cho biết thêm, nếu sau khi ra quyết định mở thủ tục phá sản, Công ty PVC Land trả được nợ cho bà Châu Giang thì TAND Tp.HCM sẽ ban hành quyết định đình chỉ thủ tục phá sản với Công ty.
Tuy nhiên, Ông Nguyễn Công Phú, Phó chánh tòa kinh tế TAND Tp.HCM lạicho biết, vì quy định của luật chưa rõ mà nhiều thẩm phán hiểu chưa đúng. “Khoản 1 Điều 4 luật Phá sản định nghĩa doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Tuy nhiên, lý do không thực hiện nghĩa vụ thanh toán để dẫn đến mất khả năng thanh toán thì TAND tối cao lại kchưa có hướng cụ thể nên có nhiều cách hiểu khác nhau. Với thẩm phán có kinh nghiệm, trước khi ra quyết định mở thủ tục phá sản thì cần triệu tập phiên họp với các đương sự tham gia, gồm người yêu cầu nộp đơn, chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp bị yêu cầu mở thủ tục phá sản để xem xét, kiểm tra các căn cứ chứng minh doanh nghiệp có thật sự mất khả năng thanh toán hay không. Có doanh nghiệp có khả năng tài chính để trả một khoản nợ đó nhưng vì lý do tranh chấp, đang chiếm dụng vốn mà chưa thể trả nợ nhưng khả năng trả nợ là có thì không thể nói rằng doanh nghiệp họ mất khả năng thanh toán”, ông Phú chia sẻ.
Về thủ tục, quy trình ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đối với PVC Land, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư Tp.HCM) cho biết, trong thời hạn 30 ngày thụ lý đơn của người yêu cầu, nếu tòa án gửi thư mời, thông báo cho PVC Land mà Công ty không cung cấp chứng cứ chứng minh được họ không lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán thì thẩm phán sẽ ban hành quyết định mở thủ tục phá sản là phù hợp. Bởi đây mới chỉ mới là giai đoạn mở thủ tục phá sản và để đi đến giai đoạn tòa án ra quyết định công ty phá sản hay không còn là cả một quy trình khác, chứ không phải cứ mở thủ tục phá sản đồng nghĩa với tuyên bố công ty phá sản.