Ngày 15.11 vừa qua, tại hội thảo “Bất động sản xây dựng tương lai”, ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills VN khẳng định, sức mua trên thị trường BĐS VN hiện nay trong 1 quý cũng đã bằng của Singapore cả năm.
Ông Neil MacGregor cũng cho rằng, trong thời gian tới sẽ không có hiện tượng "đóng băng" BĐS bởi nếu sức mua rơi dưới 15% mới đáng quan ngại và lập tức phải có những cảnh báo cho toàn thị trường.
Ông Neil MacGregor cũng nói rằng, việc cho người nước ngoài sở hữu nhà đang tạo nên sự khác biệt trên thị trường, nhất là ở phân khúc cao cấp. Bởi khi nhóm khách hàng này đầu tư bằng tiền mặt thường hưởng tỷ suất sinh lợi 7 - 8% tại thị trường Việt Nam, trong khi ở nước họ, con số này chỉ đạt 1-2%. Một lượng lớn nguồn vốn từ nước ngoài vào thị trường BĐS VN sẽ được thu hút vào những dự án có vị trí đẹp, pháp lý minh bạch hoặc những dự án có thiết kế, môi trường sống tốt.
Nhìn chung, thị trường BĐS Việt Nam năm 2016 phát triển tốt
Hiệp hội BĐS Việt Nam đánh giá, trong năm nay, thị trường BĐS phát triển tốt, trở thành một trong những ngành kinh tế năng động nhất. Thị trường hiện đang chứng kiến những thay đổi tích cực về chất lượng và sự đa đạng của sản phẩm trong các phân khúc BĐS khác nhau. Hiện tại, tổng dư nợ trong lĩnh vực BĐS là 420.000 tỷ đồng, tăng 100.000 tỷ đồng so với năm ngoái. Trong đó, Tp.HCM tiếp tục dẫn đầu cả nước về dòng vốn và giao dịch trong lĩnh vực BĐS.
Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam cũng cho rằng, trong 10 - 15 năm tới, thị trường BĐS Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt như hiện nay hoặc hơn thế. Việt Nam có lợi thế là nguồn dân số trẻ dồi dào, tầng lớp trung lưu đang tăng mạnh, dòng vốn nước ngoài đổ vào BĐS rất mạnh, hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại được đầu tư rộng khắp, hội nhập kinh tế sâu rộng và một nền chính trị ổn định... Những yếu tố này sẽ giúp cho thị trường địa ốc tăng trưởng bền vững.
Tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Lê Văn Khoa cho biết, từ nay đến năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng của TP rất lớn, dự kiến sẽ cân đối khoảng 7,6 tỷ USD thông qua các nguồn vốn như ODA, vốn ngân sách hoặc vốn vay thương mại, còn lại khoảng 2 tỷ USD dự kiến sẽ thực hiện theo phương thức hợp tác đầu tư công tư TPP.
TP cũng đang tập trung việc đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị, thúc đẩy liên kết vùng với các địa phương xung quanh để phát huy hết tiềm năng phát triển bằng các tuyến đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Nhơn Trạch - Long Thành. Sự phát triển này sẽ thúc đẩy các dự án khu đô thị dân cư phát triển về phía Đông và phía Nam và các địa phương xung quanh như NhơnTrạch, Cần Giuộc, Bến Lức phát triển. Tuyến vành đai 3 dự kiến sẽ được khởi công xây dựng năm 2017, tuyến metro số 1 sẽ hoàn thành trong năm 2020 sẽ liên kết các đô thị vệ tinh trong vùng.
Cùng với đó, TP sẽ phát triển đô thị về hướng Đông như Thủ Thiêm, lấn biển Cần Giờ, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Tây Bắc Củ Chi và khu đô thị Bình Quới Thanh Đa. TP cũng thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị TP sẽ tổ chức di dời và tái định cư cho 20.000 căn hộ trên và ven các kênh rạch, xây dựng và thay thế 50% trong tổng số 474 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975.
Ông Khoa cam kết, TP sẽ tiếp tục tập trung chú trọng cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đầu tư quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, thông thoáng nhất nhằm thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển thị trường BĐS, hạ tầng của TP. Theo ông Khoa, đây sẽ là cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đổ vốn vào lĩnh vực BĐS, hạ tầng tại Tp.HCM.