Mới đây, 2 nhà đầu tư lớn là Hongkong Land (Anh) và Sumitomo & Development (Nhật Bản) đã quyết định xin rút khỏi dự án tại khu đất 164 Đồng Khởi (quận 1) sau gần 2 năm được Tp.Hồ Chí Minh chọn làm nhà đầu tư.
Câu hỏi được nhiều người đưa ra ở đây là vì sao các nhà đầu tư ngoại lại rút khỏi dự án “đất vàng” có giá đắt đỏ mà nhiều nhà đầu tư phải mơ ước này?
|
Lý do khiến các nhà đầu tư ngoại rút lui khỏi dự án 164 Đồng Khởi là do gặp phải những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh: Lê Toàn |
Một khu “đất vàng” gần 70 nhà đầu tư
Có diện tích gần 9.800 m2, tọa lạc tại vị trí hết sức đắc địa ngay trung tâm quận 1 (Tp.HCM), giáp với các đường Nguyễn Du, Đồng Khởi, Lý Tự Trọng và Trường THPT Trần Đại Nghĩa, khu đất 164 Đồng Khởi được gọi là khu "đất vàng" bởi Đồng Khởi là con đường có giá trị bất động sản cao nhất Tp.HCM. Bên phải của khu đất là Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố và quảng trường; bên trái là công viên, Vincom Center và trụ sở UBND Thành phố. Từ năm 2009, khu “đất vàng" này đã thu hút đến gần 70 nhà đầu tư xin tham gia, trong đó, có cả những đại gia có tiếng ở trong và ngoài nước.
Đến tháng 7/2013, UBND Tp.HCM đã quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư với việc chỉ định liên doanh Hongkong Land và Sumitomo & Development làm nhà đầu tư dự án này.
Thành phố đã ra nhiều điều kiện ràng buộc đối với các nhà đầu tư khi được chỉ định thầu như: Nếu nhà đầu tư rút khỏi dự án mà không có lý do chính đáng thì số tiền bảo đảm sẽ sẽ bị tịch thu, không được tham gia dự thầu đối với các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố trong 3 năm; nhà đầu tư không được tự động chuyển nhượng dự án đã trúng thầu của mình hoặc chuyển nhượng vốn góp trong doanh nghiệp dự án cho nhà đầu tư khác…
Theo như kế hoạch đầu tư, khu đất này sẽ được xây dựng dự án khu thương mại, diện tích văn phòng, chuỗi khách sạn cao cấp, khu tài chính và khu trưng bày triển lãm (không có chức năng căn hộ) và dự kiến tổng vốn đầu tư sẽ là 7.168 tỷ đồng. Trong đó, hơn 3.400 tỷ đồng được dành để đầu tư xây dựng công trình và gần 3.800 tỷ đồng dành cho công tác bồi thường, hỗ trợ di dời. Việc chọn nhà đầu tư cho khu đất vàng này dự kiến sẽ thu về 1.600 tỷ đồng cho ngân sách Thành phố (đã trừ chi phí bồi thường thu hồi đất).
“Miếng ngon” khó nuốt
Mới đây, liên doanh Hongkong Land và Sumitomo & Development đã có văn bản gửi cơ quan chức năng xin rút khỏi dự án đầu tư trên dù đã tốn không ít thời gian cũng như công sức cho nó. UBND Tp.HCM cũng đã có văn bản đồng ý với đề nghị của Sở Kế hoạch & Đầu tư Tp.HCM về để 2 nhà đầu tư ngoại trên được rút khỏi dự án.
Theo ông Lâm Nguyên Khôi, Phó giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Tp.HCM, nguyên nhân dẫn đến việc các nhà đầu tư ngoại xin rút khỏi dự án trên khu đất vàng là vì: Nhà đầu tư muốn Thành phố chốt được con số chính xác về chi phí giải phóng mặt bằng cũng như thời gian bàn giao mặt bằng, nhưng do thành phố không thể xác định được một cách cụ thể mà chỉ đưa ra được số tiền và thời gian dự kiến. Lãnh đạo Thành phố cho biết thêm, việc giải phóng mặt bằng phụ thuộc rất nhiều vào người dân mà Thành phố không thể dùng biện pháp cưỡng chế, vì vấn đề khi đó sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều.
Nhà đầu tư đã tính toán rất kỹ lưỡng và đã đưa ra quyết định rút khỏi dự án trên đất vàng sau khi Thành phố có sự phản hồi về số tiền và thời gian dự kiến, ông Khôi cho biết thêm.
Còn về phía nhà đầu tư, Chủ tịch Tập đoàn Jardine Matheson tại Việt Nam (Công ty mẹ của Hongkong Land), ông Alain Cany cho biết, nhà đầu tư Hongkong Land dù đã cố gắng nỗ lực làm việc với các nhà chức trách Thành phố để đầu tư vào dự án nhưng vẫn rất khó cho các công ty nước ngoài trong việc quản lý tăng các khoản chi phí và trì hoãn liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.
Để theo đuổi dự án, chúng tôi đã chấp nhận phải mất chi phí, nhưng theo suy nghĩ của chúng tôi thì đó là một phần rủi ro mà nhà đầu tư phải gánh vác. Giải quyết được vấn đề tái định cư cho người dân nằm trong diện bị thu hồi đất là điều rất khó đối với các nhà đầu tư nước ngoài, ông Cany nói. Đồng thời, ông cũng cho biết thêm, dù khó khăn nhưng Hongkong Land vẫn luôn cố gắng tìm kiếm cơ hội để đầu tư và mong muốn được đầu tư cho cả dự án thương mại cũng như dân cư ở cả Tp.HCM và Hà Nội.
Sau khi liên doanh này rút khỏi dự án trên khu "đất vàng", lãnh đạo Tp.HCM đã tiến hành bàn giao cho Sở Kế hoạch & Đầu tư thành phố thảo văn bản để UBND Tp.HCM báo cáo lên Thường trực Thành ủy và Thủ tướng Chính phủ về việc thu hồi chủ trương chỉ định 2 đơn vị đầu tư ngoại thực hiện dự án ở khu đất trên, đồng thời đề xuất giao cho Thành phố tổ chức đấu thầu để chọn được nhà đầu tư mới.
Được biết, khu đất 164 Đồng Khởi có khoảng 5.000m2 là của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tp.HCM, khoảng 2.000m2 đất hiện có 145 hộ dân sinh sống, phần đất còn lại hiện đang trống.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn