Thị trường BĐS từ đầu năm đến nay tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt, nguồn vốn từ các nhà đầu tư ngoại ngày càng "đổ" vào khu vực này nhiều hơn.
Trước hết, phải kể đến thị trường bất động sản (BĐS) Philipinnes với vốn đầu tư khá lớn từ các nước trong và ngoài khu vực với nhiều dự án đáng chú ý. Đơn cử là dự án khu căn hộ 32 tầng La Nivea của chủ đầu tư Singapore Wei Kiat Construction Pte Ltd. Dự án này được xây dựng tại Nivel Hills, Cebu City với diện tích 756m2. Không chỉ vậy, thông qua chi nhánh tại Philipines là Wei Kiat Management and Development Corp, đơn vị đầu tư này còn dự định phát triển thêm nhiều dự án nữa thuộc khu vực trung tâm của Philipines.
Mới đây, trên tờ Wall Street Journal cũng đã đưa tin về kế hoạch thực hiện dự án Clacrk Green City nằm tại Clark Freeport Zone với diện tích 9.450 héc-ta của chủ đầu tư Arnel Casanova. Đồng thời, Arnel Casanova cũng cho biết, hiện dự án này cũng đang nhận được khá nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.
Bất động sản Châu Á Thái Bình Dương "hút" nhà đầu tư ngoại.
Tại thị trường BĐS Việt Nam, nguồn vốn FDI đang tăng mạnh. Theo thống kê của CBRE, đến nay, đã có 427 dự án BĐS ở Việt Nam với tổng số vốn 51 tỷ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài. Con số này chiếm tới 21% tổng vốn FDI. Hiện nay, nguồn cầu BĐS hạng sang đang có dấu hiệu tăng cao, hứa hẹn sẽ thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Singapore là đất nước có lượng bất động sản hạng sang khá dồi dào và hệ thống khu dịch vụ nghỉ dưỡng chất lượng thuộc bậc nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Theo con số thống kê mới nhất của Barclays Wealth Insight, có đến 44% nhà tài phiệt ở Trung Quốc đang có ý định chuyển đến sống tại đất nước này hoặc mua BĐS tại đây.
Nguồn cung lớn, chất lượng tốt nhưng giá BĐS tại Singapore trong 5 năm qua đã trải qua nhiều đợt sụt giảm mạnh đanh trở thành mối lo ngại của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo báo cáo của cơ quan quản lí đô thị Singapore Urban Redevelopment Authority, so với cùng kì năm ngoái, tổng lượng giao dịch trong quý này đã giảm tới 60%. Thực tế đó đã khiến các chủ đầu tư lao vào cuộc chạy đua giảm giá để thu hút người mua.
Trái ngược với Singapore, tại Myanmar, giá nhà đất ngày càng tăng vọt. Nguyên nhân là do nhiều công ty của Trung Quốc đã đăng kí hoạt động dưới tên chủ sở hữu Myanma để mua hầu hết số nhà ở thuộc các dự án tại Musem, Yangon và Mandalay. Diễn biến này đã khiến không ít người lo ngại vì cho rằng đây rất có thể là sự đầu tư với mục đích chính trị và kêu gọi chính phủ sớm can thiệp nhằm ngăn chặn tình trạng này.
Quốc gia có diện tích lớn thứ 4 trên thế giới đang dần bị mất niềm tin từ các nhà đầu tư BĐS ngoại. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguồn vốn đầu tư trực tiếp tại Trung Quốc đã giảm 14% so với cùng kì năm ngoái xuống còn 7.2 tỷ USD. Đây là mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.
Theo báo cáo thống kê của Housing Japan, hiện nay Nhật Bản đang thu hút được nguồn vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài, phân khúc cho thuê tại những khu vực đắc địa ở Tokyo tăng trưởng từ 4 - 5%, giá căn hộ tại thành phố này và những khu vực ngoại ô đã tăng khoảng 15% kể từ tháng 1/2013. Yếu tố tác động mạnh mẽ đến sự tăng trưởng này nhờ chính sách kinh tế mới của thủ tướng Shinzo Abe.
Australia là đất nước đang thu hút rất mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường BĐS. Điển hình là dự án xây dựng hệ thống khách sạn Cairns Reef Casino trị giá 7.02 tỷ USD tại Queensland của tỷ phú Hong Kong Tony Fung. Bên cạnh đó, một chi nhánh của Greenland Holdings là Greenland Australia cũng cho biết, họ đã bán được 50% số căn hộ thuộc dự án khu căn hộ cao cấp Lucent North Sydney có giá 176 triệu USD, đa số người mua thuộc Châu Á . Lucent North Sydney là tòa tháp 17 tầng gồm 211 căn hộ.