Theo sự phân tích của các chuyên gia, khi nhà ở xã hội tăng diện tích tối đa lên 90m2 thì sản phẩm của phân khúc này sẽ rơi vào tay của đa số người giàu, vì người thu nhập thấp không thể "với" tới được.
Một trong những nội dung đáng chú ý của Dự thảo về Nghị định phát triển quản lý nhà ở xã hội (NOXH) đang được Bộ Xây dựng đưa ra để lấy ý kiến đóng góp là loại nhà và tiêu chuẩn thiết kế NOXH.
Trong đó, đối với trường hợp NOXH là nhà chung cư thì quy định các căn hộ phải được thiết kế, xây dựng khép kín, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng xây dựng, diện tích chuẩn trong thiết kế mỗi căn hộ tối thiểu là 25m2/sàn và tối đa là không quá 90m2/sàn, bảo đảm phù hợp quy hoạch xây dựng do phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Số căn hộ trong dự án phát triển NOXH có diện tích sàn từ 25m2 đến dưới 30m2 và từ trên 70m2 đến dưới 90m2 sẽ chiếm tỷ lệ không được quá 20% tổng số căn hộ.
Trao đổi về quy định tăng diện tích nhà ở xã hội tại dự thảo Nghị định nêu trên của Bộ xây dựng, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng đã tỏ ra không đồng tình.
|
Nhiều ý kiến không đồng tình với việc tăng diện tích NƠXH tối đa lên 90m2. (Ảnh: minh họa, nguồn: doisongphapluat). |
Bởi theo ông Liêm, hiện mức giá tạm tính của một số dự án nhà ở xã hội đang được rao bán rơi vào khoảng 15 triệu đồng/m2, vậy, tổng số tiền để mua căn hộ diện tích 90m2 cũng phải gần 1,5 tỷ đồng. Mà người nghèo thì lấy đâu ra số tiền đó để mua và như thế không còn đúng ý nghĩa là dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp.
Từ sự phân tích trên, ông Liêm nêu ra quan điểm: Diện tích tối đa của căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội chỉ nên giữ ở mức 70m2, không nên tăng lên 90m2, bởi nếu sản phẩm làm ra mà không có người mua, lại rơi vào tình trạng thừa những căn hộ có diện tích rộng thì biết tính sao trong khi vẫn còn nhiều dự án nhà ở thương mại có căn hộ diện tích lớn đang ế trên thị trường. Khi đó, mọi việc lại đổ lên đầu Chính phủ rằng, Chính phủ phê duyệt thì tôi mới làm, khi không bán được lại quay về nhờ Chính phủ giúp đỡ thì thực không ổn.
Không chỉ vậy, nguyên Thứ trưởng Xây dựng còn phân tích thêm, khi tăng diện tích nhà ở xã hội lên 90m2 vô hình chung sẽ làm giảm đi số lượng người được hỗ trợ nhà ở. Bởi, nếu diện tích căn hộ là 45m2 có thể giúp được 2 hộ gia đình có đươc chốn an cư thay vì chỉ giúp được 1 hộ gia đình nếu diện tích là 90m2.
Ông Liêm đồng thời cũng góp ý, để chính sách thực sự khả thi khi đưa vào thực hiện thì trước khi Nghị định được ban hành cần làm thí điểm, thăm dò ý kiến của những đối tượng thu nhập thấp để xem có gì cần điều chỉnh cho phù hợp hay không. Vì thực tế, người đề ra chính sách không phải là đối tượng thu nhập thấp và kể cả những người đóng góp ý kiến như ông cũng không thuộc đối tượng này.
Đồng tình với quan điểm không đồng tình trên, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành đã nhấn mạnh: Nếu là nhà ở xã hội thì phải là những căn hộ có diện tích nhỏ, hướng tới những đối tượng có thu nhập thấp, ít tiền có khả năng mua được, Còn thu nhập thấp mà lại có đủ số tiền để mua được những căn nhà 90m2, với giá trị gần 1,5 tỷ đồng là điều không hề phù hợp.
Ở một góc nhìn nào đó của Bộ Xây dựng, Bộ có thể cho rằng, những căn 90m2 đó sẽ dành cho những gia đình có tới 2-3 thế hệ người thu nhập thấp sống cùng, nhưng số lượng đó không thực sự nhiều.
Nếu nội dung tăng diện tích nhà ở xã hội lên 90m2 được phê duyệt, thì một bộ phận các doanh nghiệp đang tồn kho các căn hộ diện tích lớn lại có thể dễ dàng chuyển sang dự án nhà ở xã hội để “đẩy” hàng. Ngoài ra, việc tăng diện tích không những giúp tháo khoán hàng tồn kho mà còn “giải vây” gói 30.000 tỷ. Trong khi, đáng lẽ chính sách có thể giúp được 3 hộ gia đình có được nhà ở nếu xây dựng những căn hộ diện tích chỉ 30m2 thì khi tăng lên 90m2, số lượng hộ gia đình được giúp có nhà ở chỉ là 1 hộ, ông Đực phân tích thêm.
Cùng với đó, vị lãnh này cũng không khỏi lo ngại, đối tượng có khả năng mua những căn hộ 90m2 sẽ không phải là người thu nhập thấp mà có khi sẽ rơi vào những người có thu nhập trung bình trở lên, sẽ không đúng đối tượng.
Không chỉ vậy, ông Đực cũng cho rằng nội dung điều chỉnh giảm căn hộ có diện tích tối thiểu từ 30m2 xuống còn 25m2 nhưng lại khống chế ở mức 20% tại dự thảo Nghị định là không phù hợp.
“Bộ Xây dựng không nên đưa ra quy định cứng mà nên để cho doanh nghiệp tự điều chỉnh tỉ lệ để phù hợp với nhu cầu của người dân từng khu vực, từng dự án”, ông Đực kiến nghị.