Tại thị trường Hà Nội và Tp.HCM, phần lớn nhà ở cao cấp đều được thu mua bởi giới đầu tư trong nửa thập kỷ qua.
Mới đây, Savills Việt Nam đã công bố báo cáo thị trường nhà ở Việt Nam với chủ đề Tầm nhìn và triển vọng, phác họa chi tiết chân dung người mua nhà trong những năm 2013-2017. Kể từ khi thị trường bất động sản khởi sắc nửa thập kỷ qua, cột mốc này rất quan trọng.
Theo nghiên cứu của Savills, người mua nhà trên thị trường gồm có 3 nhóm: người mua nhà để ở, giới đầu cơ và người đầu tư. Đáng chú ý, ở phân khúc nhà cao cấp và trung cấp (hạng A, B), lượng khách mua với mục đích đầu tư chiếm tỷ lệ lớn.
Tại thị trường Tp.HCM, có 65% khách mua nhà ở cao cấp là giới đầu tư. Con số này ở phân khúc hạng B là 45%. Trong khi đó, tại Hà Nội, có trên 70% nhà đầu tư mua nhà thuộc phân khúc hạng A và 40% mua nhà hạng B. Loại hình nhà ở giá rẻ (hạng C) hầu như không thu hút giới đầu tư. Những số liệu cho thấy, bất động sản cao cấp và trung cấp là tâm điểm của thị trường đầu tư trong giai đoạn thị trường khởi sắc năm 2013 cho tới khi lập đỉnh vào năm 2017.
|
Tại Hà Nội và Tp.HCM, hầu hết nhà ở cao cấp được mua bởi giới đầu tư. (Ảnh: Cafef) |
Trong những năm 2013-2017, nhà giá rẻ chỉ thu hút được 10-15% người mua để đầu tư tại cả hai thị trường Hà Nội và Tp.HCM. Cũng tại hai đô thị này, lượng khách mua nhà bình dân để ở chiếm tận 85-90%.
Theo Savills Việt Nam, tuy giới đầu tư giữ thế thượng phong ở phân khúc nhà ở cao cấp và trung cấp nhưng đến năm 2020, nhà ở trung cấp sẽ dẫn dắt thị trường Hà Nội trong khi nhà giá rẻ sẽ là tâm điểm của địa ốc Tp.HCM. Đặc biệt, vào năm 2020, nhà ở bình dân sẽ chiếm tới 61% tổng nguồn cung tại Tp.HCM.
Nguồn cung nhà giá rẻ tại thị trường Tp.HCM trong năm 2018 sụt giảm mạnh nhất trong nửa thập kỷ qua. Theo số liệu từ Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), tổng nguồn cung nhà ở gia nhập thị trường Tp.HCM giảm 39,2% kể từ đầu năm đến ngày 31/10/2018. Trong đó, nguồn cung căn hộ trung cấp giảm 37,5%, căn hộ cao cấp giảm 9,6%. Dù nhu cầu vẫn rất lớn nhưng rổ hàng căn hộ bình dân giá rẻ sụt giảm tới 68%.
HoREA cho rằng, cơ cấu sản phẩm trên thị trường đang mất cân đối trầm trọng, không đảm bảo an sinh xã hội và chưa đảm bảo cho sự phát triển bền vững.