Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) nhận định, thị trường BĐS trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục phát triển theo xu hướng tích cực và cơ cấu sản phẩm cũng được điều chỉnh phù hợp với thị trường.
Nguyên nhân của sự khủng hoảng
Nhìn lại chặng đường vừa qua của thị trường bất động sản (BĐS), ông Hà cho biết, sau thời kì phát triển sôi động 2005-2010, thị trường đã vấp phải quãng đường hết sức khó khăn, đặc biệt là giai đoạn 2011-2012. Giá BĐS liên tục sụt giảm, có thời điểm giảm tới 30-50%, hầu hết các phân khúc đều không nhận được sự giao dịch, lượng tồn kho BĐS trong năm 2012 là hơn 100.000 tỷ đồng.
Ông Hà phân tích, khó khăn của thị trường không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp BĐS, mà còn tác động đến nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế như thị trường vật liệu, xây dựng, lao động, ngân hàng…
Theo ông Hà, nguyên nhân dẫn đến sự khủng hoảng trên là do thị trường đã phát triển thiếu quy hoạch những năm qua; do sự phát triển mất cân đối trong cơ cấu hàng hóa BĐS; hệ thống tài chính chưa được hoàn thiện; năng lực của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS chưa thực sự cao.
|
Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường BĐS nhận định, thị trường BĐS
trong 10 năm tới vẫn có rất nhiều tiềm năng để phát triển. |
Nhằm tháo gỡ những khó khăn của thị trường, nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực và đã đạt được những kết quả hết sức khả quan. Cụ thể, giá BĐS đã có sự bình ổn, lượng thanh khoản tăng, số hàng tồn kho giảm đáng kể.
Đánh giá về sự phát triển của thị trường BĐS trong những tháng còn lại của năm, ông Hà cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục phát triển theo xu hướng tích cực. Cơ cấu sản phẩm theo đó cũng được điều chỉnh phù hợp với thị trường.
Đồng thời, ông Hà cũng nhận định, thị trường BĐS trong 10 năm tới vẫn có rất nhiều tiềm năng để phát triển.
Cần phải tái cơ cấu thị trường bất động sản
Bên cạnh đó, ông Hà cũng đưa ra ý kiến về các giải pháp để định hướng phát triển thị trường ngày càng lành mạnh và bền vững hơn trong thời gian tới. Trong đó, ông nhấn mạnh đến hệ thống pháp luật nhất thiết phải được hoàn thiện. Tiếp đó là đến công tác quản lý nhà nước cần được nâng cao để nguồn lực đất đai được sử dụng hiệu quả. Cùng với đó, nên xem quyền sử dụng đất là một loại hàng hóa đặc biệt, được định giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Vai trò của nhà nước khi tham gia thị trường BĐS là đại diện chủ sở hữu đất đai, để kiểm soát, điều tiết thị trường phát triển theo một hoạch định cụ thể, rõ ràng. Không chỉ vậy, cần phải hình thành và tạo điều kiện để các định chế tài chính phát triển, nhằm thu hút các nguồn vốn cho thị trường BĐS, điều chỉnh chính sách tín dụng linh hoạt, tạo điều kiện về vốn cho các chủ thể tham gia thị trường.
Chính sách thuế, phí và lệ phí liên quan tới BĐS được hoàn thiện sẽ khuyến khích mỗi phân khúc nhà ở phát triển, đồng thời, thúc đẩy việc sử dụng BĐS có hiệu quả hơn, cũng như góp phần hạn chế nạn đầu cơ, trốn thuế, từ đó, giúp nguồn thu ngân sách nhà nước tăng lên, ông Hà nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc thực hiện tái cơ cấu thị trường BĐS, phát triển các loại hàng hóa BĐS một cách đa dạng, nhất là phân khúc nhà ở, cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, khắc phục tình trạng lệch pha cung - cầu cũng sẽ giúp thị trường bình ổn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, ông Hà cũng cho rằng, việc thu xếp nguồn tài chính cho các dự án nhà ở là vấn đề cơ bản nhưng cũng là khó khăn không dễ tháo gỡ. Vì vậy, để hỗ trợ thị trường BĐS phát triển ổn định thì việc hình thành các quỹ dự trữ BĐS là hành động rất cần thiết.