Phó giám đốc CBRE Việt Nam Nguyễn Hoài An đã có những đánh giá về thị trường bất động sản Việt trước sự biến động tỷ giá giữa VNĐ so với USD.
|
Thị trường địa ốc trong nước ít chịu sự tác động của dòng vốn ngoại. |
- Thưa bà, sự điều chỉnh tỉ giá khiến đồng USD có giá trị lớn hơn so với VNĐ đồng của Ngân hàng nhà nước sẽ có những tác động đến thị trường địa ốc nước ta như thế nào?
Theo con số thống kê một cách sơ bộ, chủ đầu tư nội chiếm đến hơn 90% tổng nguồn cung căn hộ bán trên thị trường bất động sản Việt Nam. Vậy nên, có thể khẳng định, phân khúc chung cư, căn hộ vẫn do thị trường trong nước chi phối và chưa có dấu hiệu bị phụ thuộc nhiều bởi yếu tố bên ngoài.
Tuy nhiên, chủ đầu tư nước ta vẫn phải nhập khẩu vật liệu xây dựng từ bên nước ngoài khá là nhiều, điều này rất có thể sẽ tác động đến các dự án đang được triển khai, khiến chi phí của họ bị tăng cao và khả năng dẫn đến việc gia tăng giá bán ra. Còn những dự án đã hoàn thành trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước ban hành tăng tỉ giá thì không chịu sự tác động.
Nhưng còn một yếu tố nữa mà chúng ta cần để ý, đó là vấn đề thị trường nhập khẩu. Bởi, không phải duy nhất có đồng Việt Nam bị giảm giá. Thực tế, đồng tiền của một số nước trên thế giới cũng đang có biến động rất mạnh trong thời gian qua, mà đa phần là đều giảm so với đồng USD. Điển hình là đồng tiền Trung Quốc với sự phá giá khá mạnh. Bên cạnh đó, việc tăng giá bán cũng sẽ tác động mạnh đến tính cạnh tranh của dự án cũng như tâm lý mất niềm tin của khách hàng.
Về phía cầu, sự biến đổi tỉ giá sẽ không tác động nhiều, bởi, sản phẩm trên thị trường vẫn đang phục vụ nhu cầu mua nhà của người Việt là chủ yếu. Mặt khác, khi tỷ giá biến động, người đang có nhiều VNĐ cũng sẽ tìm đến một kênh đầu tư khác an toàn hơn để bảo toàn được nguồn vốn hoặc có khả năng sinh lời, trong đó, BĐS cũng là một mặt hàng được nhiều người lựa chọn để đầu tư.
- Người nước ngoài sẽ có lợi khi mua nhà ở Việt Nam nhờ sự tăng giá của đồng USD. Liệu sẽ có những chuyển biến tích cực trên thị trường trong thời gian tới xuất phát từ những khách hàng ngoại quốc hay không, thưa bà?
Khi giá trị của đồng VNĐ giảm hơn so với đồng USD thì lợi thế dành cho khách hàng là người nước ngoài sẽ nhiều hơn, đồng thời, thị trường bất động sản Việt Nam cũng sẽ gây được sự chú ý hơn đối với khách ngoại. Song, chúng ta vẫn cần phải có cái nhìn so sánh với những thị trường khác trong khu vực như Malaysia, Thái Lan hay Indonesia...
Ngay cả khi chưa có sự biến động về tỉ giá thì thị trường nhà đất Việt Nam cũng đã có mức giá hấp dẫn hơn so với các thị trường nằm trong cùng khu vực. Vì vậy, theo tôi, tỉ giá sẽ không có sự tác động lớn đến quyết định đầu tư cũng như sự quan tâm từ phía khách hàng ngoại đến thị trường BĐS Việt Nam.
- Vậy vấn đề nào của thị trường địa ốc Việt Nam khiến khách hàng nước ngoài quan tâm đến, thưa bà?
Thực tế, thị trường BĐS Việt Nam mới chỉ mở cửa từ sau khi Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2015 vừa qua. Và như đã nói ở trên, tỉ giá chỉ là một yếu tố nhỏ để khách hàng nước ngoài quan tâm. Điều cốt yếu ở đây là vấn đề về chính sách cũng như luật pháp sẽ khiến họ chú ý tới nhiều hơn.
Còn rất nhiều các điều khoản, chính sách của Luật mà khách hàng ngoại cần được làm rõ. Đơn cử như: Họ sẽ thực hiện chuyển nhượng như thế nào khi mua nhà tại Việt Nam? Và khi họ không có mặt ở Việt Nam thì ai sẽ là người được phép quản lý tài sản của họ. Việc quản lý ở đây không chỉ có nghĩa đơn thuần là trông coi căn nhà đó, mà còn bao gồm tất cả các mặt như phụ trách về pháp lý, quyền lợi, cho thuê, chuyển nhượng... Hay khi chuyển nhượng BĐS cho người khác thì họ có được phép đem tiền ra khỏi Việt Nam hay không, và có phải chịu khoản phí nào khi chuyển nhượng không?
Mặt khác, số lượng người nước ngoài có nhu cầu mua nhà để ở tại Việt Nam là không cao, sự chú ý tới thị trường hầu hết đều dành cho các đối tượng đi đầu tư. Vì vậy, khi bỏ ra một khoản tiền tương đối lớn thì họ phải nắm được mức độ rủi ro như thế nào, là bao nhiêu, đặc biệt là đối với một thị trường mới như Việt Nam chúng ta.
- Vậy bà đánh giá phân khúc nào của thị trường bất động sản Việt Nam sẽ nhận được sự đặc biệt quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài?
Tôi nghĩ, nhà đầu tư nước ngoài họ không quan tâm nhiều đến khái niệm mang tính phân khúc. Bởi, có khá nhiều sự chênh lệch trong cách định nghĩa về phân khúc của Việt Nam và quốc tế. Nhà đầu tư ngoại chỉ thực sự quan tâm đến giá trị thật của khối tài sản mà họ sẽ đầu tư, như khả năng cho thuê thế nào, giá trị sinh lời ra sao trong thời gian ngắn hạn và dài hạn.
Các vấn đề về vị trí, chủ đầu tư, cơ sở hạ tầng, chất lượng của dự án sẽ được họ quan tâm hơn là những yếu tố chỉ mang tính định nghĩa như phân khúc hay phân chia thị trường.
Chân thành cảm ơn bà!