Do tài chính chưa vững nên anh Đỗ Văn Tuyên (33 tuổi, hiện sống ở quận Hà Đông, TP. Hà Nội) đã vay tới 70% giá trị căn nhà. Vợ chồng anh hằng tháng phải co kéo dồn tiền trả góp cho ngân hàng. Đặc biệt, khi có việc phát sinh, gia đình anh rơi vào cảnh lao đao, túng thiếu.
Sau đây là chia sẻ của anh Tuyên về quyết định sai lầm chọn mua nhà lớn khi tài chính còn hạn hẹp.
Tôi luôn ao ước được sở hữu một ngôi nhà cho riêng mình ngay từ khi lấy vợ. Song, cả hai vợ chồng đều xuất thân từ nhà nghèo, lên thành phố lập nghiệp trong khi chưa có đồng vốn nào trong tay. Vợ tôi công tác trong ngành xuất bản với tiền lương hàng tháng gần chục triệu đồng. Trong khi đó, tôi làm nghề chụp ảnh, thu nhập không ổn định, bình quân khoảng từ 15-25 triệu đồng/tháng.
Chúng tôi có thêm bé thứ hai vào năm 2016 sau 6 năm kết hôn. Khi đó, vợ chồng tôi đã tích cóp được 600 triệu đồng. Tôi quyết vay thêm tiền để mua một ngôi nhà tử tế cho vợ con ở. Hầu hết đồng nghiệp và bạn bè của vợ chồng tôi cũng đã có nhà ở. Hơn nữa, căn hộ tập thể chưa tới 40m2 gia đình tôi ở tại quận Đống Đa đã trở nên bí bách và chật chội. Vợ chồng, hai đứa con và thi thoảng có thêm bà nội hoặc bà ngoại lên chăm cháu đều cảm thấy rất bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.
Sau khi cân nhắc, tôi quyết định xuống tiền mua căn hộ hơn 80m2 tọa lạc trên đường Lê Văn Lương kéo dài với giá 2,3 tỷ đồng. Mặc dù giá nhà vượt quá khả năng của chúng tôi nhưng tôi vẫn muốn mua bởi nếu nhà nhỏ sẽ bất tiện khi thường xuyên có khách từ quê ra. Mặt khác, tôi cũng tìm hiểu thêm một số khu vực vùng ven giá rẻ hơn song tiện tích thiếu thốn và đi lại quá xa.
Vợ chồng tôi nhờ người quen lo hồ sơ thủ tục vay ngân hàng tối đa 1,6 tỷ đồng và trả dần trong vòng 10 năm. Tính ra mỗi tháng phải trả cả gốc lẫn lãi mười mấy triệu đồng khiến tôi "toát mồ hôi". Thế nhưng, khi đó tôi lại nghĩ rằng: "Đi thuê nhà cũng tốn 5-6 triệu đồng rồi, vay nợ mua như vậy càng có động lực để cày cuốc, chứ đợi đến ngày nào cho đủ tiền".
|
Mua nhà bằng tiền vay ngân hàng là chủ yếu, gia đình anh Tuyến rơi vào cảnh lao đao trước áp lực trả lãi gốc hàng tháng, nhất là những khi gia đình có việc phát sinh. (Ảnh: Dissolve). |
Đầu năm 2017, gia đình tôi dọn về nhà mới ở. Mọi người trong nhà đều cảm thấy rất phấn khởi. Sau nhiều năm sống ở khu tập thể xập xệ, cũ nát, chúng tôi cảm thấy cuộc đời như bước sang trang mới khi được sống ở khu chung cư đẹp đẽ, thoáng đãng, tiện ích đầy đủ. Tôi cho rằng, quyết định liều mua nhà của mình cũng đáng khi nhìn thấy vợ luôn vui vẻ, phấn khởi, con lớn ríu rít làm quen với bạn cùng tầng.
Vậy nhưng, cảm giác tuyệt vời ấy chỉ kéo dài vài tháng. Gánh nặng cơm áo và áp lực trả nợ khiến cuộc sống của chúng tôi rất nặng nề. Hằng tháng, sau khi trả nợ cho ngân hàng, vợ chồng tôi phải co kéo số tiền còn lại để lo đủ chi phí từ tiền gửi xe, tiền điện nước, học phí cho con đến tiền thuê giúp việc, phí dịch vụ... Tích lũy được đồng dư nào tôi lại dồn trả cho khoản vay gần trăm triệu mua sắm nội thất.
Trước tình cảnh đó, tôi cuống lên lo nhận thêm việc để tăng thu nhập hàng tháng. Trong đầu tôi lúc nào cũng chỉ nghĩ tới chuyện kiếm tiền. Đồng thời, vợ chồng tôi cũng cắt giảm tối đa mọi chi tiêu trong gia đình. Tôi cũng buộc phải cho con gái lớn ngừng học thêm các lớp vẽ, đàn. Thậm chí, vợ tôi cũng không còn nhu cầu mua sắm váy vóc, son phấn. Những dịp cuối tuần, chúng tôi thường về quê nhận viện trợ thực phẩm hoặc chỉ ở nhà cho đỡ tốn kém. Lúc này đây, du lịch trở thành thứ quá ư xa xỉ đối với gia đình tôi. Đồng thời, tôi cũng từ chối hết mọi lời mời đi chơi cuối tuần của bạn thân. Tôi nghĩ rằng, mình cố "thắt lưng buộc bụng" vài năm trả hết một phần nợ thì đỡ lãi, nhờ đó cuộc sống của gia đình sẽ dễ thở hơn.
Song, đúng là "người tính không bằng trời tính". Mẹ tôi bị ngã dập xương phải lên Hà Nội điều trị vào cuối năm ngoái. Cũng may không bị quá nặng nên chỉ sau 2 tuần chữa trị mẹ tôi đã ổn. Tuy vậy, trong suốt thời gian đó, tôi căng như dây đàn vì phải đi vay mượn để góp viện phí và cùng anh trai lo nuôi người nhà lên thay nhau chăm mẹ. Thế nên, vợ chồng tôi hết sạch mọi khoản tích lũy, dự phòng.
Lúc bấy giờ tôi cảm thấy thực sự đuối và kiệt sức. Mặt khác, tôi cũng nhận thấy rằng tôi không còn đáp ứng được yêu cầu công việc, chất lượng giảm sút hẳn. Có thể nói, đó là một "cú tát" đối với những người làm nghề sáng tạo như tôi. Tôi không hề muốn tiếp diễn cuộc sống quay như chong chóng, vắt kiệt ý tưởng sáng tạo của mình. Tôi càng sợ khi nghĩ lỡ nhà mình lại có việc phát sinh trong khi đang gắn đống nợ mua nhà.
Sau khi chia sẻ và bàn tính với vợ, chúng tôi quyết định bán nhà.
Vậy nhưng, việc bán nhà cũng không hề đơn giản bởi nhà còn vướng nợ ngân hàng. Cuối cùng tôi cũng bán được nhà với khoản chênh vài chục triệu đồng. Tâm lý là vấn đề khó khăn nhất đối với tôi lúc này. Tôi cảm thấy mình là kẻ thất bại khi không giữ được nhà cho vợ con. Chưa kể, tôi cũng rất ngại khi phải giải thích với bố mẹ, họ hàng hai bên về việc bán nhà vừa mua xong. Thế rồi, mọi việc cũng ổn thỏa dần.
Hiện tại, cuộc sống của gia đình tôi khá tốt. Chúng tôi chọn thuê một căn hộ nhỏ hơn nhà cũ ở gần cơ quan vợ. Tôi không thuê giúp việc nữa. Con gái thứ hai cũng đã đến tuổi đi lớp. Chúng tôi sống khá thoải mái với khoản tiền còn lại sau khi trả tiền thuê nhà hơn 5 triệu mỗi tháng. Tôi còn có tiền gửi tiết kiệm đều đặn hàng tháng. Hè này, tôi sẽ đưa các con và bố mẹ mình đi du lịch.
Bên cạnh đó, tôi cũng nhận ít việc hơn sau khi bán nhà và tập trung cho chất lượng công việc. Tôi lấy lại sự tự tin và tình yêu nghề khi có được những sản phẩm chất lượng thực sự.
Tuy nhiên, tôi không từ bỏ mục tiêu mua nhà. Giờ đây, căn nhà không còn là áp lực quá lớn như trước. Tôi sẽ thực hiện ước mơ này trong dài hạn. Thiết nghĩ, chúng ta nên sống cho hiện tại trước trong lúc chuẩn bị dần cho tương lai sau này.
Ông Bội Lê, chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân ở Tp.HCM cho biết, tâm lý người Việt xưa nay vẫn muốn có được ít nhất một ngôi nhà. Do đó, nhiều người vẫn cố mua nhà bằng được dù tài chính còn eo hẹp. Họ cho rằng, việc mang nợ vay mua nhà càng khiến mình có động lực kiếm tiền hơn. Đồng thời, họ còn lập luận thêm, số tiền thuê nhà dùng trả nợ mua nhà có lợi hơn là nộp cho chủ cho thuê nhà. Thực ra, những người này không biết các cách đầu tư sinh lợi tốt hơn gửi tiết kiệm ngân hàng cũng như chưa có kế hoạch cụ thể trong việc tích lũy tài chính.
Theo ông Bội Lê, bạn cần tính phương án an toàn khi vay nợ dài hạn để mua nhà. Chẳng hạn, giả sử có thể trả nợ trong 7 năm thì bạn vẫn nên ký hợp đồng vay 10 năm. Trường hợp mọi việc thuận lợi thì bạn vừa trả vượt kế hoạch vay, đồng thời giữ được một khoản dự phòng cho gia đình. Trong khi đó, nếu bạn tính kế hoạch sát quá có thể gặp rủi ro khi thu nhập giảm hoặc lãi suất tăng. Chưa kể, gia đình bạn không thể tránh khỏi những việc phát sinh.
Chuyên gia này cho rằng, chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng tiêu cực trước áp lực trả góp mua nhà quá lớn. Chọn một căn nhà phù hợp với năng lực tài chính hoặc tiếp tục ở thuê được xem là một giải pháp tốt. Ông Bội nhấn mạnh: "Đừng nặng nề chuyện phải sở hữu được ngôi nhà hay tâm lý e ngại khi phải bán nhà, cuộc sống của bạn sẽ đỡ mệt mỏi và thoải mái hơn.".
|