So với quý II/2018 và so với cùng kỳ năm 2017, lượng giao dịch căn hộ khách sạn (condotel) trong quý III vừa qua giảm mạnh. Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đang trong giai đoạn trầm lắng khi không có dự án condotel mới được chào bán chính thức hoặc giới thiệu ra thị trường.
Nguồn cung và giao dịch condotel đều giảm mạnh
Báo cáo thị trường địa ốc quý III/2018 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết có gần 1.000 giao dịch condotel trên toàn thị trường. Thế nhưng, trong quý liền trước, riêng thị trường Nha Trang và Đà Nẵng đã đạt giao dịch xấp xỉ 2.000 căn. Cùng với sự sụt giảm về lượng giao dịch, thị trường quý III không ghi nhận dự án mới chào bán chính thức hoặc giới thiệu.
Sự trầm lắng của giao dịch condotel được thể hiện rõ ở 2 thị trường trọng điểm của bất động sản nghỉ dưỡng là Nha Trang và Đà Nẵng. Cụ thể, lượng sản phẩm chào bán tại Đà Nẵng đạt 8.061 căn. Nguồn cung này đến từ những dự án như Ocean Suite, Hyatt Regency Da Nang, Olalani, Mường Thanh, Coco Bay, Anfanam, Furama, Hòa Bình,… Song, lượng giao dịch thành công chỉ đạt 294 căn.
Trong khi đó, tại Nha Trang, thị trường quý III tiếp tục đón nhận khoảng trên 1.000 căn condotel từ các dự án cũ như Panarama, Ariyana, Hudbuilding Nha Trang,… Qua đó, giúp nâng tổng cung condotel Nha Trang lên đến 12.000 căn. Điều đáng nói là, trong quý III năm nay, tỷ lệ hấp thụ từ các dự án chào bán đợt mới chỉ đạt tầm 20%. Thị trường Khánh Hòa ghi nhận 789 căn condotel giao dịch thành công, giảm mạnh so với 2 quý đầu năm 2018. Ước tính, còn khoảng 15.000-20.000 condotel chưa bán được hết trên toàn thị trường.
|
Theo Tổng Thư kí Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính, condotel vẫn là dòng sản phẩm cần phát triển. |
Bàn về sự chững lại của thị trường căn hộ khách sạn, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính cho hay, Nhà nước hiện đã kiểm soát chặt chẽ vốn nên dòng vốn đầu tư, nhất là vốn đổ vào bất động sản nghỉ dưỡng bị siết chặt. Chưa kể, pháp lý của condotel vẫn chưa rõ ràng khiến các nhà đầu tư có tâm lý e ngại khi rót tiền vào phân khúc này.
Mặt khác, năng lực phát triển bất động sản nghỉ dưỡng còn hạn chế. Trong đó, đáng chú ý là năng lực khai thác kinh doanh sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng của các chủ đầu tư Việt Nam còn non yếu. Chính điều này dẫn tới sự ngờ vực của giới đầu tư vào thanh khoản của căn hộ khách sạn. Các nhà đầu tư cảm thấy không có sự đảm bảo cho suất đầu tư lâu dài. Thực tế cho thấy, hiện giới đầu tư nhỏ lẻ rất thận trọng khi lựa chọn loại hình bất động sản này.
Theo ông Đính, giá của bất động sản nghỉ dưỡng đã bị chủ đầu tư đẩy lên mức cao, trung bình từ 35-50 triệu đồng/m2. Thậm chí, mức giá chạm ngưỡng 70 triệu đồng/m2 tại nhiều dự án. Nhà đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển nhượng dự án với mức giá đó.
Thị trường condotel đang bị bão hòa?
Thực trạng nêu trên khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu có phải thị trường condotel đang bước vào giai đoạn thoái trào? Bàn về vấn đề này, theo Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, so với thời gian trước, hiện lượng giao dịch condotel đang chững lại và sụt giảm. Tuy nhiên, trong quý III vẫn có khoảng gần 1.000 căn hộ khách sạn được giao dịch thành công.
Hơn nữa, Việt Nam hiện vẫn còn thiếu vài trăm ngàn căn hộ lưu trú. Con số này không hề nhỏ. Ông Đính nhấn mạnh: “Chúng tôi khẳng định condotel vẫn còn đang thiếu và vẫn đang yếu trong định hướng phát triển. Điều quan trọng là trong tương lai cần phát triển như thế nào?”.
|
Trong quý III/2018, giao dịch và nguồn cung condotel đều giảm tốc mạnh. |
Ông Đính cho biết thêm, chủ đầu tư các dự án đã được cấp phép thời điểm này cần phải đẩy nhanh tiến độ, nhằm sớm đưa dự án đi vào hoạt động, khai thác. Năng lực vận hành, quản lý, khai thác của các nhà phát triển dự án Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế nên cần phải tăng cường liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp có kinh nghiệm trên thế giới. Mô hình này hiện đã được nhiều chủ đầu tư Việt Nam áp dụng khi kết hợp với Sheraton, Movenpick… để nâng cao chất lượng dịch vụ. Ngoài ẩm thực phong phú, phong cảnh đẹp, Việt Nam còn cần có hạ tầng lưu trú hiện đại, đẳng cấp thì mới có thể hấp dẫn cũng như giữ chân du khách. Ông Đính nhận định: “Việc phát triển các dòng sản phẩm nghỉ dưỡng vẫn là nhiệm vụ cần thiết. Nhà nước cần tạo mọi điều kiện để phát triển.”
Có cùng quan điểm, Tổng giám đốc Công ty CP Thanh Bình Hà Nội, ông Nguyễn Chí Thanh cho hay, với lợi thế tự nhiên Việt Nam, thị trường condotel còn nhiều tiềm năng lớn đối với nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Tuy vậy, hiện mô hình này đang gặp những khó khăn về mặt pháp lý. Theo ông Thanh: “Hiện nay Chính phủ đã có chỉ đạo và Bộ Xây dựng cũng đang hoàn thiện luật về condotel. Nếu trong thời gian tới, luật hóa condotel sớm được trình Quốc hội và được phê duyệt, pháp lý trở nên rõ ràng, giao dịch condotel sẽ tăng lên.”
Ngoài ra, ông Thanh cũng lưu ý với các nhà đầu tư rằng, giá bán và cam kết lợi nhuận của căn hộ khách sạn đang tiềm ẩn không ít rủi ro. Hiện tại, giá bán condotel không phải dựa trên giá thành mà là giá bán chủ đầu tư đưa ra cộng với lợi nhuận kì vọng. Việc một số chủ đầu tư condotel cam kết lợi nhuận 10% là không khả thi.