Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) mới đây đã chuyển hơn 65 tỷ đồng cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Bình Thuận để hỗ trợ, bồi thường thiệt hại cho 9 doanh nghiệp bị ảnh hưởng do việc dừng dự án cảng Kê Gà.
Trung tâm phát triển Quỹ đất tỉnh Bình Thuận cho biết, sau khi nhận được hơn 65 tỷ đồng từ TKV, đơn vị đã thực hiện chi trả cho 8/9 doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng do việc dừng dự án cảng Kê Gà.
8 doanh nghiệp du lịch đã nhận được đủ số tiền hỗi trợ, bồi thường thiệt hại do dừng dự án cảng Kê Gà gồm: Thế Giới Xanh, Minh Ngọc, Thạnh Đạt, Thảo My, Phương Bắc, Hương Bắc, Thạnh Lợi, Đồi Phong Lan.
Ngoài ra, một doanh nghiệp còn lại là Tân Thành Minh do bận việc nên chưa đến nhận tiền hỗ trợ bồi thường thiệt hại. Doanh nghiệp này sẽ tiếp nhận tiền bồi thường sau.
Đầu năm 2000, thực hiện lời mời gọi đầu tư của tỉnh Bình Thuận, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các khu du lịch cao cấp tại khu vực biển Kê Gà. Tuy nhiên, khi các dự án đang được triển khai rầm rộ, thậm chí có dự án đi vào hoạt động thì bất ngờ vào năm 2008, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bình Thuận thông báo chủ trương xây dựng cảng Kê Gà do TKV làm chủ đầu tư. Tổng số vốn cho dự án này là trên 20.000 tỷ đồng.
Gần cuối năm 2010, tỉnh Bình Thuận đã có quyết định thu hồi dự án du lịch, thu hồi đất của 12 doanh nghiệp thuộc khu vực biển Kê Gà để giao cho TKV làm cảng biển.
Nhiều dự án đầu tư du lịch bị thu hồi để thực hiện cảng Kê Gà
Đầu năm 2013, nhận thấy dự án cảng Kê Gà không hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu ngừng xây dựng dự án và giao cho Bộ Công thương chủ trì cùng UBND tỉnh Bình Thuận tính toán phương án bồi thường cho các doanh nghiệp bị thiệt hại.
Ngày 23/1/2017, UBND tỉnh Bình Thuận đã gửi công văn cho Bộ Công thương đề nghị phê duyệt danh mục các dự án bị ảnh hưởng sau khi dừng xây dựng cảng Kê Gà. Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu TKV bồi thường tổng số tiền 85 tỷ đồng cho 9 dự án (các dự án còn lại hiện vẫn chưa đồng ý với số tiền bồi thường).
Tuy nhiên, ngày 31/3/2017, TKV đã có công văn gửi UBND tỉnh Bình Thuận, theo đó đơn vị này chỉ đồng ý bồi thường số tiền hơn 65 tỷ đồng cho 9/12 dự án nói trên. Ngay sau đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã gửi văn bản cho Trung tâm phát triển Quỹ đất tỉnh, yêu cầu đơn vị này là nơi đầu mối tiếp nhận số tiền hơn 65 tỷ đồng để bồi thường và hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại sau khi dừng dự án cảng Kê Gà.