Số lượng doanh nghiệp bất động sản được thành lập mới tăng chóng mặt trong 8 tháng qua đã khiến cuộc cạnh tranh trên thị trường ngày càng trở nên khốc liệt.
Số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới trong 8 tháng qua đã tăng đến 80,2% so với cùng kỳ năm trước, điều này đã tạo nên một cuộc cạnh tranh ngày cành khốc liệt giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Trần Ngọc Quang, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có buổi trò chuyện về vấn đề này.
- Số lượng doanh nghiệp bất động sản đăng ký thành lập mới trong 8 tháng vừa qua đã tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2014 (số liệu thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự thành lập một cách ồ ạt của các doanh nghiệp bất động sản, thưa ông?
Theo tôi, đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng cho thị trường bất động sản. Còn nhớ, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam từng nói, với dân số 90 triệu của nước ta như hiện nay, thì phải cần có đến 2 triệu doanh nghiệp, nhưng hiện mới chỉ có khoảng 400.000 doanh nghiệp.
Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Trần Ngọc Quang. (Ảnh: KT).
Đây là một con số quá ít ỏi so với số lượng bình quân cần phải có trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển như nước ta hiện nay. Việc các doanh nghiệp thành được thành lập mới tăng mạnh mẽ như vậy, tôi cho rằng, thứ nhất là do thủ tục thành lập doanh nghiệp hiện nay đã được đơn giản hóa đi rất nhiều.
Cùng với đó, là sự phát triển ổn định của nền kinh tế đã khiến nhu cầu thành lập doanh nghiệp của các cá nhân có khả năng kinh doanh cũng tăng lên. Không chỉ thế, cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản cũng đã được mở rộng và tăng lên rất nhiều so với những năm trước đó. Vậy nên, việc số lượng doanh nghiệp bất động sản tăng lên có thể xem như là một tín hiệu tốt và chúng ta cũng nên lạc quan trước điều đó.
- Một thực tế mà chúng ta không thể phủ nhận là dù được thành lập mới nhiều, nhưng mặt bằng chung năng lực của các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam lại khá khiêm tốn, nguồn vốn chủ yếu phụ thuộc vào ngân hàng. Ông đánh giá như thế nào về thực tế này?
Đây quả là một vấn đề rất thực tế của các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam. Dù Luật đã quy định vốn điều lệ để thành lập doanh nghiệp bất động sản tăng từ 6 tỷ lên 20 tỷ, nhưng ngay cả khi tăng từ 20 tỷ hay 50 tỷ thì đây vẫn là một con số quá ít ỏi để có thể đầu tư vào một dự án. Nhưng vì sao vẫn có quá nhiều doanh nghiệp được thành lập như vậy?
Theo tôi, là do khâu kiểm soát các chủ đầu tư được phép đầu tư các dự án trước đây chưa được chặt chẽ, nên các doanh nghiệp vẫn hy vọng sẽ có được cơ hội dù vốn nhỏ từ việc đầu tư được những dự án lớn bằng những kênh vốn chưa chắc chắn, và bị lệ thuộc rất nhiều vào tài chính từ các nguồn vốn không chắc chắn đó.
Thời gian tới, khi việc cho phép các doanh nghiệp thực sự đủ điều kiện làm các dự án đầu tư bằng chính nguồn vốn của mình được nhà nước kiểm soát chặt chẽ, thì những doanh nghiệp không đủ điều kiện chắc chắn chỉ có thể thực hiện được những dự án rất nhỏ hoặc chỉ thực hiện những mảng như dịch vụ bất động sản, còn những chủ đầu tư thực sự phải là người có nguồn vốn lớn.
Nhìn bề ngoài, có thể thấy, các ngân hàng rất rộng cửa, mở rộng các thủ tục cho các doanh nghiệp vay vốn để thực hiện dự án bất động sản, nhưng tôi tin với những bài học để lại từ giai đoạn trước, chắn chắn các ngân hàng sẽ có sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với tất cả các nguồn vốn mà họ cung cấp cho thị trường bất động sản.
- Ông nhận định như thế nào về tính cạnh tranh của thị trường khi ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp bất động sản mới được thành lập?
Sự cạnh tranh cao, quyết liệt là điều đương nhiên. Nhưng số vốn cần thiết mà một doanh nghiệp bất động sản cần có để thực hiện hoạt động đầu tư là rất lớn. Vì vậy, theo tôi, số lượng các doanh nghiệp có đủ điều kiện để thực hiện dự án đầu tư sẽ ổn định chứ không tạo nên sự đột biến.
Và điều mà chúng ta kỳ vọng lúc này là, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt này sẽ là lực đẩy để các doanh nghiệp nhỏ nhanh chóng lớn lên và hoạt động chuyên nghiệp hơn. Các doanh nghiệp nếu có định hướng đúng đắn, tính chuyên nghiệp cao, tiếp cận thị trường tốt chắc chắn sẽ phát triển được. Còn với những doanh nghiệp quy mô nhỏ, được thành lập trong cả thời gian dài nhưng vẫn không thể phát triển nổi thì cũng sẽ bị thị trường loại bỏ.
Có thể nói, một khi số lượng các doanh nghiệp nhỏ tăng lên thì tính cạnh tranh cũng sẽ khốc liệt hơn, nhưng tôi cho rằng, đó lại là điều tốt vì chúng ta sẽ lựa ra được những doanh nghiệp nhỏ có tính chuyên nghiệp cao và dần phát triển thành đơn vị kinh doanh bất động sản quy mô lớn.
Xin cảm ơn ông!